Solomon trở thành mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn

Solomon, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đang trở thành mặt trận mới trong cạnh tranh nước lớn sau khi nước này đạt thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.

Lo ngại điều này có thể tạo điều kiện cho một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Bắc Kinh ở ngay trước cửa ngõ, Mỹ, Australia và New Zeland thời gian qua đã tăng cường chiến lược tiếp cận ngoại giao với Solomon.

Mỹ và các đồng minh lo ngại Quần đảo Solomon có thể cho phép Trung Quốc xây cảng quân sự. Ảnh: Bloomberg

Mỹ và các đồng minh lo ngại Quần đảo Solomon có thể cho phép Trung Quốc xây cảng quân sự. Ảnh: Bloomberg

Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương của Australia Zed Seselja mới đây đã có chuyến thăm đến Solomon để thuyết phục nước này từ bỏ thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Cùng thời điểm, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Solomon Jeremian Manele về kế hoạch của Washington mở lại đại sứ quán ở thủ đô Honiara. Thông báo về việc mở lại đại sứ quán được đưa ra từ tháng 2/2022 và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi đó đã công khai thể hiện quyết tâm kiềm chế Trung Quốc hiện diện rộng rãi ở đây.

Khả năng về một sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Solomon đã không khỏi khiến Mỹ, Australia và New Zealand phải cảnh giác, bởi điều này không chỉ giúp Bắc Kinh “án ngữ trước ngưỡng cửa” của Australia New Zealand, mà còn gần đảo Guam, nơi đặt các căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Adern mô tả hiệp ước là “đáng lo ngại”: “Chúng tôi cho rằng các hành động này có thể gây ra việc quân sự hóa khu vực và cũng thấy rất ít lý do về mặt an ninh ở Thái Bình Dương cho thấy sự cần thiết cho một sự hiện diện như vậy”.

Tới nay, cả Trung Quốc và Solomon đều phủ nhận rằng hiệp ước mới sẽ dẫn đến việc thiết lập một căn cứ quân sự của Bắc Kinh. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, sự hợp tác của Bắc Kinh với Solomon là dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Các nước khác cần nhìn vấn đề một cách khách quan để tránh làm gia tăng đối đầu ở Thái Bình Dương.

“Hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào hay mâu thuẫn với bất kỳ hợp tác nào giữa Solomon và những quốc gia khác. Các nước liên quan nên xem xét và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và Solomon, cũng như nhìn nhận vấn đề với thái độ khách quan và hợp lý, không kích động đối đầu trong khu vực các đảo Thái Bình Dương và làm nhiều hơn nữa vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực", ông Triệu Lập Kiên nói.

Cho đến nay, Trung Quốc được cho là đã thiết lập một căn cứ quân sự nước ngoài tại Djibouti, vùng Sừng châu Phi nghèo khó nhưng quan trọng về mặt chiến lược. Nhiều chuyên gia cho rằng quân đội Trung Quốc đang có tham vọng thiết lập một mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài và Solomon, quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương chắc chắn sẽ trở thành mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh nước lớn./.

Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/solomon-tro-thanh-mat-tran-moi-trong-cuoc-canh-tranh-giua-cac-nuoc-lon-post937106.vov