Sớm ban hành khung kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp
Tại hội nghị chuyên đề 'Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp' chiều 14.5, các địa phương đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng và ban hành kiến trúc dữ liệu cho ngành nông nghiệp; trong đó, cần quy định rõ các nội dung, chuẩn dữ liệu của các địa phương bảo đảm tính đồng bộ, liên thông từ cấp bộ đến cấp xã.
Hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chuyển đổi số là động lực để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lan tỏa giá trị đến các cơ quan quản lý chuyên ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc… vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Đến tháng 12.2023 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử. Qua đó, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, bảo chất lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta.
Nguồn: ITN
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Toản, chuyển đổi số ngành nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật, hạ tầng số, thương mại nông sản qua môi trường số. Đặc biệt, nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số; thiếu các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực có trình độ về chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin...
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp hiện nay chưa thống nhất, đầy đủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước cho biết; ông Phước cũng phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số của người dân, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp chưa thật sự đầy đủ.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết thêm, hiện chuyển đổi số trong công nghiệp gỗ chủ yếu mới dừng ở việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp thị và bán hàng.
Phát triển dữ liệu số nông nghiệp
Trước thách thức hiện hữu, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp số, ông Nguyễn Quốc Toản kiến nghị, cần nâng cao nhận thức số, tư duy số và hành động số; phát triển hạ tầng thương mại điện tử gắn với logistics nông nghiệp; đào tạo kỹ năng số của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân từ sản xuất đến bán hàng. Cùng với đó, triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhất là nâng cấp chất lượng dịch vụ công; phát triển dữ liệu số nông nghiệp, nông dân số, xã hội số gắn với phát triển dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06).
Các địa phương như Hà Nội, Yên Bái, Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng và ban hành kiến trúc dữ liệu cho ngành nông nghiệp. Trong đó cần quy định rõ các nội dung, chuẩn dữ liệu của các địa phương bảo đảm tính đồng bộ, liên thông từ cấp bộ đến cấp xã. Đồng thời, tham mưu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần sớm ban hành những chính sách đột phá về cơ chế đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số…
Ở góc độ đơn vị chuyên cung ứng giải pháp số ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Rynan Technologies Việt Nam Hồng Quốc Cường mong muốn có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị và giải pháp chuyển đổi số dễ dàng tiếp cận và thực hiện các dự án chuyển đổi số của khu vực nhà nước.
Tạ hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả bước đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu ngành nông nghiệp (bao gồm cơ sở dữ liệu các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi)... Đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn. Thúc đẩy kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ, startup về lĩnh vực số hóa, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản thông minh, hiện đại. Tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến của các địa phương, chuyên gia tại hội nghị để tổ chức phối hợp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.