Sớm bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc da cam/dioxin

Đây là đề xuất của Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Việt Nam.

Theo Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Chính phủ nên rà soát và quy định cụ thể khi xác định đối tượng cần căn cứ vào thế hệ ông bà, bố mẹ có tham gia kháng chiến và có sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng CĐDC/dioxin hay không để tránh tình trạng lợi dụng chính sách.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về hậu quả cũng như cuộc sống của nạn nhân CĐDC hiện nay?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam không chỉ gây hậu quả nặng nề với sức khỏe những người bị phun rải trực tiếp mà còn để lại di chứng đến con cháu của họ. Hiện có khoảng 572 công trình khoa học tầm cỡ quốc gia, quốc tế trong và ngoài nước khẳng định chất độc da cam (CĐDC) tác động đến hệ thống di truyền, gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây ra nhiều dạng rối loạn của hệ thống di truyền tế bào và ảnh hưởng di truyền tới nhiều thế hệ sau phơi nhiễm. Từ đó gây ra tai biến sinh sản, dị dạng, dị tật bẩm sinh, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư ở con và cháu những người trực tiếp bị phơi nhiễm.

 Trung tướng Nguyễn Thế Lực.

Trung tướng Nguyễn Thế Lực.

Theo thống kê sơ bộ của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (tiến hành điều tra tại các địa phương từ năm 2015 đến 2017), cả nước có khoảng 59.000 cháu bị di chứng CĐDC, trong đó có khoảng 26.000 là cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC. Đối tượng này có ở tất cả các tỉnh, thành phố. Địa phương thấp nhất chưa đến 100 cháu (Tiền Giang, Cần Thơ...); phổ biến từ 400 đến 500 cháu (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Gia Lai); địa phương nhiều từ 750 đến 1.000 cháu (Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…); cá biệt có những địa phương tới hơn 1.200 cháu như: Quảng Nam, Quảng Ngãi… Những con số thống kê trên cho thấy hậu quả của CĐDC hiện vẫn nặng nề, không chỉ thế hệ thứ nhất, thứ hai mà thế hệ thứ ba cũng bị ảnh hưởng di chứng do CĐDC để lại.

PV: Trong tờ trình Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề nghị chưa bổ sung chính sách ưu đãi cho đối tượng này, ông đánh giá thế nào về điều này?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Những lý do mà cơ quan chủ trì soạn thảo nêu ra là theo tư duy cũ, không thuyết phục đối với các nạn nhân, các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin và đông đảo nhân dân… Nếu không đưa đối tượng trên vào khung chính sách ưu đãi người có công là có phần chưa thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thực chất, trong văn bản của Đảng và Nhà nước yêu cầu giải quyết chính sách với con và cháu là cố gắng thực hiện chính sách ưu đãi trong 3 thế hệ.

Như tôi đã phân tích ở trên, hiện nay, thế hệ thứ ba bị nhiễm CĐDC/dioxin tuy không nhiều về số lượng song cũng cho thấy đây là đối tượng cần được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thực tế Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến những người bị ảnh hưởng CĐDC, trong đó có các cháu. Nhờ đó, đời sống một bộ phận các cháu được cải thiện. Tuy nhiên, cháu ruột (bị bệnh tật, dị dạng, dị tật do di chứng da cam) của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC hiện nay chưa được đưa vào khung chính sách ưu đãi người có công như chủ trương của Đảng và Nhà nước mà được hưởng theo chế độ bảo trợ xã hội của Luật Người khuyết tật năm 2010.

Ở nhiều gia đình nạn nhân, chính ông hoặc bà, hoặc cả ông bà vừa là nạn nhân, vừa trực tiếp nuôi dưỡng các cháu, do bố mẹ các cháu không còn, hoặc ly dị, hoặc phát bệnh nặng dần đến mức không tự chủ được. Gia đình có cháu là nạn nhân CĐDC, nghĩa là gia đình đó có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ là nạn nhân, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn; rất ít người còn khả năng lao động, trong khi các cháu đang độ tuổi cần rất nhiều nhu cầu… Vì vậy, tuổi thọ của các cháu thường ngắn. Ở tỉnh Hà Tĩnh, cuối năm 2016, tổng số có 384 cháu, đến cuối năm 2017 chỉ còn lại 264 cháu.

PV: Theo ông, để các nạn nhân được hưởng đúng chính sách của Đảng và Nhà nước, cần phải điều chỉnh, bổ sung những quy định gì?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Hiện nay, cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC được hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo Luật Người khuyết tật và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10-4-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật. Theo đó, trong số khoảng 7,2 triệu người khuyết tật thì chỉ một bộ phận thuộc diện nặng và đặc biệt nặng mới có thể được hưởng. Trong số được hưởng, chỉ có một phần nhỏ các cháu là nạn nhân CĐDC, đã thế mức hưởng rất thấp (trước đây chỉ khoảng 100.000 đồng/tháng); ngày 21-10-2013 đã nâng mức chuẩn lên 270.000 đồng (theo Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ). Ngoài ra, theo quy định, các cháu được hỗ trợ việc làm, vay vốn, dịch vụ y tế, miễn giảm học phí, tham gia giao thông, sử dụng các công trình văn hóa. Song, do chưa có chế tài cụ thể nên rất khó để tiếp cận các hỗ trợ này. Theo tôi, đã đến lúc nên đưa đối tượng cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC, bị di chứng-bệnh tật, dị dạng, dị tật vào khung chính sách ưu đãi người có công như Thông báo số 69-TB/TW ngày 5-7-2002 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư và Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không đưa đối tượng trên vào khung chính sách ưu đãi người có công là có phần chưa thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời sớm tổ chức khảo sát, điều tra đối tượng các cháu ruột người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC, số cháu bị di chứng-bệnh tật, dị dạng, dị tật...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LAN HƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/som-bo-sung-chinh-sach-uu-dai-doi-voi-the-he-thu-ba-bi-nhiem-chat-doc-da-cam-dioxin-606423