Sớm chấm dứt nạn 'xe thật, biển giả'
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều tình trạng hai xe ô tô lưu thông trên đường nhưng có chung một biển kiểm soát, cho thấy nạn sử dụng biển số giả đang rất phức tạp. Tình trạng này đòi hỏi các trung tâm đăng kiểm, lực lượng Cảnh sát giao thông cần xây dựng hệ thống dữ liệu liên thông giữa các đơn vị, kiểm tra nghiêm ngặt hơn để sớm phát hiện sai phạm, chấm dứt nạn 'xe thật, biển giả'.
Trung tâm Đăng kiểm 29-27D (quận Bắc Từ Liêm) sẽ từ chối đăng kiểm những phương tiện sử dụng giấy tờ không hợp lệ, thông số kỹ thuật không phù hợp… Ảnh: Huy Lộc
Vi phạm ngày càng tinh vi
Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông thông tin, cuối tháng 2-2021, đơn vị nhận được trình báo của ông Nguyễn Anh Dũng (ở Hà Nội) về việc phát hiện ô tô nhãn hiệu Mercedes Benz có biển kiểm soát 30E-488.16 trùng với xe của mình lưu thông trên đường. Từ thông tin này, Công an quận Hà Đông đã khám phá đường dây làm giả giấy tờ để tiêu thụ ô tô, thu giữ 5 xe đeo biển kiểm soát giả. Công an quận Hà Đông đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tương tự, ngày 19-4, Công an phường Mai Động (quận Hoàng Mai) đã tạm giữ phương tiện để xác minh thông tin khi phát hiện hai ô tô trùng biển kiểm soát 30A-715.10 xuất hiện ở Khu đô thị Times City.
Về động cơ của hành vi sử dụng biển kiểm soát và giấy tờ xe giả, anh Lê Đạt, một người kinh doanh xe ô tô cũ ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) nêu ra các trường hợp như: Mua biển giả số đẹp gắn vào xe cho sang trọng; mất biển số, biển số hỏng nên tìm mua biển số giả để không phải khai báo và xin cấp lại. Có đối tượng lại sử dụng biển số xe giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy và Điều khiển đèn tín hiệu (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết thêm, nhiều đối tượng tẩy xóa, thay đổi con số, làm giả biển số xe ô tô để qua mặt hệ thống camrera phạt nguội. Thực tế, không ít chủ xe than phiền vì bỗng nhiên nhận được phiếu yêu cầu nộp phạt mà không hề gây ra lỗi.
Một nguyên nhân khác, theo luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá, chế tài xử lý hành vi sử dụng biển kiểm soát giả là 150.000 đồng với xe máy, 350.000 đồng với ô tô còn quá nhẹ. Luật sư Hoàng Tùng cung cấp thông tin, qua một số vụ việc đã đưa ra xét xử cho thấy, các đối tượng có xe từ nguồn nhập lậu, trộm cắp,… đã tra cứu thông tin phương tiện trên website của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để lấy thông tin chủng loại xe, số máy, số khung và gắn vào xe nhập lậu, làm giả giấy tờ để tiêu thụ.
Hai ô tô trùng biển kiểm soát 30A-715.10 ở Khu đô thị Times City đã bị lực lượng chức năng phường Mai Động (quận Hoàng Mai) tạm giữ để xác minh thông tin.
Cần sự liên thông dữ liệu
Theo Trung tâm Đăng kiểm 29-27D (quận Bắc Từ Liêm), từ đầu năm đến nay, đơn vị đã từ chối kiểm định gần 10 trường hợp xe ô tô do nghi ngờ dùng giấy đăng ký, giấy thế chấp ngân hàng giả. Còn Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 3301S (quận Hà Đông) Từ Minh Tuấn cho hay, khi khách hàng mang xe đến đăng kiểm, cán bộ trung tâm kiểm tra rất kỹ lưỡng. Đặc biệt đối với giấy tờ thế chấp có ảnh chụp hoặc con dấu bị mờ, đứt nét, cán bộ sẽ liên lạc ngay với ngân hàng để kiểm tra tính xác thực của các loại giấy tờ này. Tuy chưa gặp trường hợp nào sử dụng giấy tờ giả để kiểm định nhưng trung tâm nhận thức rằng với khả năng làm giả tinh vi hiện nay, phải kiểm soát nghiêm ngặt hơn để tránh phiền phức cho chủ xe thật.
Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải) Đặng Trần Khanh cho biết, khi phát hiện các xe sử dụng giấy tờ không hợp lệ, xe có thông số kỹ thuật không phù hợp với thông số trong cơ sở dữ liệu... các đơn vị đều phải từ chối kiểm định. Các đơn vị còn có thể thông qua hệ thống cảnh báo, lịch sử kiểm định để kiểm tra tính hợp lệ của xe. Tuy nhiên, theo ông Đặng Trần Khanh, quá trình kiểm định vẫn còn bất cập như việc tra cứu dữ liệu chưa thuận tiện, các đơn vị đăng kiểm phải mất nhiều thời gian và rất khó xác minh các giấy tờ.
“Trước thực tế này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất các cơ quan liên quan cần xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hành chính phương tiện và chia sẻ với Cục cũng như các đơn vị đăng kiểm để thuận tiện trong việc kiểm soát hồ sơ, phát hiện giấy tờ giả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi kiểm định”, ông Đặng Trần Khanh nói.
Bên cạnh đề xuất trên, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị không ngừng tăng cường phương tiện kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ để nhanh chóng tra cứu, xác minh nguồn gốc xe. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý phương tiện, về lâu dài cần có yêu cầu bắt buộc người đăng ký phương tiện phải là chính chủ để cơ quan chức năng rút ngắn thời gian xác minh. “Việc tăng cường số hóa thông tin phương tiện, giấy tờ phương tiện (thiết lập mã QR đăng ký phương tiện) cũng sẽ góp phần chấm dứt tình trạng xe sử dụng biển kiểm soát giả”, Thiếu tá Đào Việt Long nhấn mạnh.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/998926/som-cham-dut-nan-xe-that-bien-gia