Sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại cơ sở tư nhân

Với hiệu quả thực thi pháp luật và trình độ nhận thức của người dân được nâng cao, hiện có nhiều chủ nuôi đã chủ động chuyển giao gấu cho cơ quan có trách nhiệm, giảm bớt áp lực kinh tế và nguy cơ pháp lý từ hoạt động nuôi nhốt gấu cho chính bản thân và gia đình…

Một cá thể gấu được chủ nuôi nhốt chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Ảnh: Tổ chức Động vật châu Á (AAF)

Một cá thể gấu được chủ nuôi nhốt chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Ảnh: Tổ chức Động vật châu Á (AAF)

Mới đây, ba cá thể gấu ngựa (Ursus thibetanus) đã được một chủ nuôi gấu tại huyện Thạnh Hóa (Long An) tự nguyện chuyển giao đến Trung tâm gấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai). Đây là ba trong số bốn cá thể gấu cuối cùng còn bị nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh Long An. Sau khi được chuyển tới Trung tâm, gấu sẽ được theo dõi, chăm sóc sức khỏe và được sống trong môi trường bán hoang dã gần gũi với thiên nhiên cùng đồng loại. Trung tâm gấu tại Vườn quốc gia Cát Tiên hiện đang là “ngôi nhà” của 41 cá thể gấu.

Hiện, tại tỉnh Long An còn duy nhất một cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại gia đình một hộ dân thuộc thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã đã kiến nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp UBND huyện Đức Hòa tiếp tục vận động chủ nuôi chuyển giao cá thể gấu này đến trung tâm cứu hộ.

Nếu thành công, Long An sẽ trở thành địa phương không còn gấu bị nuôi nhốt, chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu đã tồn tại gần 20 năm qua. Trước đó, vào tháng 6/2021, tỉnh Lạng Sơn trở thành địa phương thứ 40 trên cả nước không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật tại Việt Nam, sau khi các cơ quan chức năng, đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm tỉnh thuyết phục thành công chủ nuôi chuyển giao ba cá thể cuối cùng đến trung tâm cứu hộ.

Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) Bùi Thị Hà chia sẻ: “Hoạt động nuôi nhốt gấu tại cơ sở tư nhân là một hệ quả của quá khứ, khi mà công tác thực thi và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã của người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, với hiệu quả thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, trình độ nhận thức của chủ nuôi và người dân được nâng cao dần, ngày càng có nhiều chủ nuôi chủ động chuyển giao gấu cho Nhà nước, để gấu có một cuộc sống tốt đẹp hơn cũng như giảm bớt áp lực kinh tế và nguy cơ pháp lý từ hoạt động nuôi nhốt gấu cho chính bản thân chủ nuôi.

Nhà nước đã thể hiện rõ lập trường không bồi thường hay hỗ trợ tài chính cho các chủ nuôi khi chuyển giao gấu. Do đó, ENV kêu gọi các chủ nuôi chuyển giao gấu cho Nhà nước trong thời gian sớm nhất để gấu có cuộc sống tốt hơn tại các trung tâm cứu hộ, tạo điều kiện cho các quần thể gấu trong tự nhiên được phục hồi và phát triển”.

Theo ENV, tính đến nay, cả nước vẫn còn 324 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại 105 cơ sở tư nhân. Con số này đã giảm hơn 90% trong hơn 15 năm qua, từ 4.300 cá thể được ghi nhận vào năm 2005. Năm 2020, đã có 22 cá thể gấu được người dân tự nguyện chuyển giao tới các trung tâm cứu hộ. Chỉ riêng chín tháng đầu năm nay, 11 cá thể gấu đã được chuyển giao cùng với bảy cá thể khác sẽ được tiếp nhận trong thời gian tới.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam đang dần đi tới hồi kết. Tuy nhiên, 22 tỉnh, thành phố còn gấu nuôi nhốt tại cơ sở tư nhân vẫn đang rất cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã và cộng đồng xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người dân địa phương mình sớm chuyển giao gấu đến trung tâm cứu hộ.

DŨNG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/som-cham-dut-tinh-trang-nuoi-nhot-gau-tai-co-so-tu-nhan-672107/