Sớm có chính sách quản lý thuốc lá mới
Hiện nay, 184 quốc gia trên thế giới đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111 quốc gia ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử. Thế nhưng tại Việt Nam, vấn đề này chưa được thống nhất trong quản lý, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng) đều có chứa nicotine, nhưng khác nhau ở thành phần. Thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc lá ngắn đặc chế. Thuốc lá điện tử thì có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng.
WHO cũng cảnh báo, mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người. Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới và 1,4% nữ giới trưởng thành hút thuốc. Đáng lo ngại là các sản phẩm thuốc lá mới với mẫu mã bắt mắt, hương vị hấp dẫn đang hướng đến giới trẻ, dẫn đến việc sử dụng thuốc lá mới đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta. Kết quả điều tra mới đây cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%); tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.
Mặc dù các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay shisa chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên, các sản phẩm này đang được mua, bán dễ dàng và sử dụng công khai ở nhiều nơi.
Các chuyên gia y tế khẳng định, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Giống như thuốc lá truyền thống, sử dụng thuốc lá mới cũng nhanh chóng gây nghiện nicotine và nguy cơ ung thư cao. Thậm chí, thuốc lá điện tử chứa rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa.
Ngoài ra, 100% sản phẩm thuốc lá mới đều là hàng nhập lậu nên hệ lụy cho sức khỏe của người dùng càng gia tăng khi không được tiếp cận các sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng được thẩm định rõ ràng, từ đó tạo gánh nặng cho ngành y tế và toàn xã hội nói chung.
Trước thực trạng báo động về tác hại của thuốc lá thế hệ mới, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương đề xuất chính sách quản lý thuốc lá mới. Tuy nhiên, việc quản lý thuốc lá mới đang gặp khó khăn do trong nhận thức của các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, còn thiên lệch, chủ yếu tập trung vào việc làm thế nào để giảm bớt tác hại của thuốc lá mới mà chưa quan tâm đến tính tổng thể của hệ thống các quy định.
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định cụ thể về thuốc lá mới, nên các cơ quan quản lý Nhà nước không có công cụ, phương tiện để phòng, chống tác hại của thuốc lá mới. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến dòng sản phẩm thuốc lá mới.
Trong khi chờ đưa quy định thuốc lá mới vào trong Luật, trước mắt, Chính phủ sớm quy định điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu đối với sản phẩm này; làm rõ trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại thuốc lá mới, kiểm soát giới trẻ tiếp xúc với thuốc lá mới, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, lưu thông trái phép sản phẩm thuốc lá mới...
Với mục tiêu lớn nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ thế hệ trẻ của đất nước, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý Nhà nước sớm thống nhất, ban hành chính sách, quy định về quản lý thuốc lá mới.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/som-co-chinh-sach-quan-ly-thuoc-la-moi-post468265.html