Sớm có cơ chế hỗ trợ và phát triển điện gió ở Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam đang tìm kiếm các lựa chọn khác nhau để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng của nền kinh tế, ngày 18/4, Tổ chức Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch (VCEA) Văn phòng đại diện Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Điện gió Bình Thuận tổ chức tọa đàm trực tuyến 'Cơ chế hỗ trợ và phát triển điện gió ở Việt Nam'.
Theo Tiến sỹ Hoàng Giang, đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch (VCEA) Hồ Chí Minh, buổi tọa đàm nhằm thảo luận về vai trò của giá FIT đối với sự phát triển điện gió dài hạn; phân tích và thảo luận các điểm hạn chế về giải tỏa công suất của lưới điện, xã hội hóa đầu tư lưới điện nhằm thúc đẩy phát triển điện gió, đồng thời, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy ngành điện gió phát triển bền vững trong tương lai.
Gia hạn thời gian áp dụng giá FIT đến tháng 12/2023
Tài nguyên gió của Việt Nam chủ yếu nằm dọc theo bờ biển dài hơn 3000 km, ở các vùng đồi núi, cao nguyên ở miền Bắc và miền Trung. Theo Bản đồ gió toàn cầu ước tính, hơn 39% diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 6 độ cao của trục cánh quạt tua bin (m/s) ở độ cao 65 m và hơn 8% diện tích đất liền của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 7 m/s. Điều này tương ứng với tiềm năng tài nguyên gió là 512 công suất (GW) và 110 GW. Tính đến yếu tố hạn chế về sử dụng đất, ngoại trừ các khu vực núi có độ dốc hơn 30%, các không gian gián đoạn có diện tích dưới 1 km² và các khu vực có khả năng tiếp cận lưới điện trong phạm vi 10 km, tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ vào khoảng 42 GW phù hợp triển khai dự án điện gió quy mô lớn.
Báo cáo tình hình đầu tư phát triển các dự án điện gió ở Việt Nam, bà Ngô Tố Nhiên, đại diện Tổ chức Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) cho biết: Tính đến tháng 3/2020, đã có 78 dự án với tổng công suất khoảng 4,8 GW đã được bổ sung quy hoạch; 11 dự án với tổng công suất 377 tổng công suất (MW) đã vận hành phát điện; 31 dự án với tổng công suất 1,62 GW đã ký hợp đồng mua bán điện lâu dài giữa công ty tư nhân sản xuất điện và khách hàng (PPA), dự kiến đi vào vận hành năm 2020-2021. Ngoài ra còn 250 dự án với tổng công suất khoảng 45 GW đang đề nghị bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.
Mặc dù Việt Nam đã có giá FIT (áp dụng cho mỗi kwh điện phát trên lưới) cho điện gió vào năm 2011 với mức là 78 USD/kwh, tuy nhiên mức giá này được coi là không khả thi về mặt thương mại. Giá FIT sau đó đã được điều chỉnh kể từ tháng 11/2018, với mức là 85 USD/MWh áp dụng cho các dự án điện gió trên bờ và 98 USD/Kwh cho dự án ngoài khơi (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Tính đến thời điểm này, tương lai cho các dự án điện gió vận hành thương mại sau ngày 1/11/2021 vẫn chưa được xác định. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương đề xuất và trình Chính phủ xem xét, quyết định cơ chế đấu thầu phát triển điện gió và giá mua điện. Tuy nhiên, ngày 9/4/2020, Bộ Công thương đã có Công văn số 2491/BCT-ĐL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét: Gia hạn thời gian áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió ở Việt Nam đến tháng 12/2023; giao Bộ Công thương tính toán, đề xuất giá mua điện gió mới áp dụng cho các dự án điện gió có ngày vận hành từ 1/11/2021 đến 31/12/2023.
Cần có chiến lược dài hạn
Thảo luận về vấn đề về Quy hoạch điện 8 (PDP8), lưới điện và vấn đề giải tỏa công suất các dự án điện gió tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương - Chuyên gia Mô hình hóa và Mô phỏng lưới điện, VIET - Đại học TU/e, Hà Lan, cho rằng: Hiện các dự án điện gió đang gặp khó khăn về giải tỏa công suất từ nguồn điện, cụ thể tại Bình Thuận, Ninh Thuận đang cập nhật thông số về đường truyền tải bị nghẽn. Với kịch bản mới của Bộ Công thương trình thì tỷ lệ điện gió và mặt trời rất cao, nên đề xuất nâng cao dự án đẩy mạnh lưới điện trước giai đoạn 2025, đưa công suất khu vực năng lượng tái tạo về khu phụ tải chính. Tuy nhiên việc lắp đặt trạm biến áp lớn cũng gặp khó khăn như Trạm biến áp 500 KV Long Thành có thể hút tương đối lớn công suất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Giải pháp quan trọng là cần có thuật toán điều khiển tối ưu công suất hiệu quả nhất để phát triển và ứng dụng tại Việt Nam.
Đại diện Chủ đầu tư – Ông Lê Anh Tùng cho rằng trên quan điểm của nhà đầu tư, nếu không có giá FIT hợp lý tức là bài toán giá trị hiện tại thuần (NPV) và tỷ suất hoàn vốn nội tại (IRR) sẽ không hiệu quả và sẽ không thể bỏ vốn ra đầu tư được, ngoài bài toán về tài chính, các nhà đầu tư còn đối mặt với rủi ro về chính sách, về đấu nối, về giải phóng mặt bằng… nên rất cần các đơn vị hoạch định chính sách cân nhắc kỹ lưỡng và đưa đủ các yếu tố đầu vào, đầu ra khi tính giá FIT cho giai đoạn sắp tới cho phù hợp cơ chế FIT. Bên cạnh đó, cần có chiến lược dài hạn như: Công bố tổng công suất, lộ trình phát triển nội địa hóa, tích hợp thêm hệ thống thông tin hỗ trợ lãnh đạo (ESS), tự chủ phát triển điện gió ngoài khơi để thu hút nguồn đầu tư nhằm thúc đẩy hợp tác sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Các đại biểu cũng thảo luận về các chính sách trung và dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển điện gió ở Việt Nam, trong đó đề cập tới chính sách thuế, các giấy phép cần có để triển khai điện gió ngoài khơi; cơ chế đấu thầu: cơ quan tổ chức, hợp đồng mua bán điện (PPA), trách nhiệm các bên tham gia. Ngoài ra, các đại biểu còn đề xuất các vấn đề cần được luật hóa, cơ chế thiết lập chuỗi cung ứng phát triển điện gió ngoài khơi trong nước, đặc biệt, quan tâm đến nguồn nhân lực từ phía các trường đại học.