Sớm có giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn gene bò tót lai ở Bác Ái, Khánh Hòa

Sau hơn chục năm chăm sóc, thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học về đàn bò tót lai tại Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, tỉnh Khánh Hòa (mới), kết quả đem lại chưa được như mong muốn. Vì vậy, các cơ quan Trung ương có liên quan và địa phương cần sớm có giải pháp để bảo tồn và phát triển nguồn gene bò tót lai.

Nhân viên Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, tỉnh Khánh Hòa, chăm sóc đàn bò tót lai đang nuôi dưỡng. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Nhân viên Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, tỉnh Khánh Hòa, chăm sóc đàn bò tót lai đang nuôi dưỡng. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Kỳ vọng tạo ra thế hệ bò lai siêu nặng, siêu khỏe

Năm 2009, các trong nước rất phấn khởi khi nhiều cơ quan báo chí đăng tải thông tin tại Vườn Quốc gia Phước Bình - vùng rừng giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận (cũ) và tỉnh Lâm Đồng xuất hiện một cá thể bò tót đực hoang dã (tên khoa học là Bos gaurus) cao hơn 1,7m, thân dài hơn 2m, nặng khoảng 1.000kg.

Con bò tót này đã ra khỏi vùng đệm của vườn và tìm đến chuồng trại của người dân đang nuôi bò cái giống bình thường (Bos taurus) trên địa bàn để giao phối và sinh ra thế hệ bò tót lai F1 có thể hình vạm vỡ, sức khỏe tốt…

Theo đó, một số nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu với hy vọng sẽ đem lại kết quả tốt về di truyền học của loài bò tót hoang dã để “thuần hóa gene” nhân giống, nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gene quý hiếm và tạo ra những đàn bò lai thế hệ sau có ưu điểm vượt trội về thể hình, siêu khỏe… Liền đó, đã có 3 đề tài nghiên cứu từ cấp tỉnh đến cấp Nhà nước được triển khai.

Năm 2012, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng phối hợp Vườn Quốc gia Phước Bình thực hiện đề tài “Nghiên cứu giám định và khả năng sinh sản của bò tót lai F1 giữa bò nhà (Bos taurus) và bò tót (Bos gaurus)” được thực hiện tại vùng rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.

Đến năm 2014, đề tài nghiên cứu này kết thúc và dừng lại ở việc giám định nhiễm sắc thể, đồng thời mua 10 con bò tót lai F1 từ những người dân trong vùng có bò cái nhà giao phối với bò tót đực hoang dã sinh ra.

Năm 2015, 2 đơn vị tiếp tục thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gene bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận-Lâm Đồng-Khánh Hòa” với kinh phí gần 6,8 tỷ đồng.

Thời điểm này, đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu mua thêm của người dân một con bò tót cái F2 để nhập đàn, nâng lên 11 con (10 con F1 và 1 con F2). Tuy nhiên, khi kết thúc đề tài nghiên cứu với kết quả cả đàn bò không tăng trọng, cơ thể suy kiệt, khiến dư luận xã hội bày tỏ sự mất niềm tin đối với đề tài.

 Tiêu bản con bò tót cha được trưng bày giới thiệu Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, tỉnh Khánh Hòa (mới), phục vụ du khách và giáo dục đa dạng sinh học.

Tiêu bản con bò tót cha được trưng bày giới thiệu Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, tỉnh Khánh Hòa (mới), phục vụ du khách và giáo dục đa dạng sinh học.

Cuối năm 2015, con bò tót cha chết do già yếu. Tiêu bản gồm có bộ da, cặp sừng và bộ xương con bò tót được trưng bày giới thiệu tại Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng, Vườn Quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận (cũ).

Sau đó, đàn bò tót lai được bàn giao cho Vườn Quốc gia Phước Bình để chăm sóc, nuôi dưỡng và tiếp tục thực hiện đề tài thứ 3: "Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực, giai đoạn năm 2021–2025” theo Quyết định số 819/QĐ-UBND, ngày 8/5/2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận (cũ) với kinh phí thực hiện là 2 tỷ đồng.

Bằng hình thức di dời đàn bò về môi trường sống bán hoang dã, đề tài nghiên cứu khoa học lần này đã giúp giúp đàn bò tót lai hồi phục lại thể trạng và sức khỏe. Trong đàn có 1 cá thể bò tót cái lai F2 giao phối với bò nhà và sinh ra thế hệ lai F3.

 Càng lớn, đàn bò tót lai càng bộc lộ nhiều nét giống bò tót rừng, như sừng cong, dài đều 2 bên, không có nọng phía dưới cổ như bò nhà.

Càng lớn, đàn bò tót lai càng bộc lộ nhiều nét giống bò tót rừng, như sừng cong, dài đều 2 bên, không có nọng phía dưới cổ như bò nhà.

Riêng khả năng sinh sản trong quần thể đàn bò tót lai F1 gần như bằng 0. Số lượng bò tót lai F1 không tăng mà lại giảm so với ban đầu vì có 1 con lai F1 đã chết do xung đột trong quần thể đàn.

Hệ quả chưa như mong muốn

Sau nhiều năm thực hiện các đề tài , kết quả hiện tại cho thấy, đàn bò tót lai đã già và mất dần khả năng sinh sản. Các thế hệ bò tót lai F2, F3 không ổn định về gene di truyền,…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, từng là Chủ nhiệm đề tài “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực, giai đoạn 2021-2025” cho biết, đến nay, những con bò tót lai thế hệ F1 vẫn chưa có dấu hiệu sinh sản, cho nên chủ yếu để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách và giáo dục đa dạng sinh học.

Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nguyên Khang (Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Về lĩnh vực khoa học, cá thể bò tót đực và cái của thế hệ lai F1 giao phối với nhau để sinh ra thế hệ tiếp theo là rất hiếm, thậm chí là bằng 0. Điển hình, tại Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, các cá thể bò tót lai F1 đã giao phối với nhau nhưng vẫn chưa sinh ra thế hệ tiếp theo.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, bò tót rừng (Bos gaurus) có nhiễm sắc thể là 2N=56; nhiễm sắc thể của bò nhà là 2N=60, được coi như không khác biệt nhiều và với cặp nhiễm sắc thể chẵn của các bò tót lai, có cơ sở để cho lai giống với các giống bò khác để tạo ra thế hệ tiếp theo có nhiều ưu thế vượt trội hơn bò nhà.

Vì vậy, bò đực thế hệ lai F1 sẽ có bộ nhiễm sắc thể, gồm: 1 nhiễm sắc thể X từ mẹ (bò nhà) và 1 nhiễm sắc thể Y từ cha (bò tót rừng). Tuy nhiên, do cấu trúc của 1 nhiễm sắc thể Y từ bò tót cha không đồng dạng, cho nên khi giảm phân tạo giao tử cũng như hợp nhất tạo hợp tử sẽ không trọn vẹn hoặc không thể. Mặc dù số lượng nhiễm sắc thể giống nhau, nhưng trình tự gene và vùng tương tác giữa các nhiễm sắc thể giới tính Y của bò đực lai thế hệ F1 và bò tót cha có thể khác biệt đáng kể.

Từ hiện tượng không tương thích di truyền giữa bố và mẹ cộng với việc có một số con bò tót đực lai F1 tuy có thể có tinh hoàn và bộ phận sinh dục phát triển bình thường, nhưng tinh trùng thường bị dị dạng hoặc không hoạt động, khiến cho phần lớn bò tót đực và cái thế hệ lai F1 bị vô sinh khi giao phối với nhau, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là những con bò tót lai này có mối quan hệ cận huyết thống với nhau.

Trường hợp bò tót cái lai thế hệ F1 giao phối với bò nhà đực thì khả năng thụ thai vẫn có, nhưng rất thấp. Hơn nữa, hiện nay, đa số các cá thể bò tót lai ở Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình đã già, nên khả năng sinh sản cũng giảm dần.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: “Hiện, tổng đàn bò tót lai còn 11 con (9 con bò tót lai F1, 1 bò tót lai F2 và 1 bò tót lai F3). Hầu hết bò tót lai F1 có trọng lượng nặng nhiều hơn bò nhà cùng độ tuổi, cá biệt, con bò có thể hình vạm vỡ nhất đàn nặng gần 500kg, (gấp hai lần so với bò nhà). Càng lớn, đàn bò tót lai càng bộc lộ nhiều nét giống bò tót tự nhiên như sừng cong, dài đều 2 bên, không có nọng phía dưới cổ như bò nhà.

 Con bò có thể hình vạm vỡ nhất đàn nặng gần 500kg, gấp hai lần so bò nhà.

Con bò có thể hình vạm vỡ nhất đàn nặng gần 500kg, gấp hai lần so bò nhà.

Tuy các cá thể đực và cái lai thế hệ F1 có giao phối với nhau nhưng không thụ thai và sinh con như kỳ vọng, nhưng mới đây, một con bò tót đực lai thế hệ F1 đã “vượt rào” để giao phối với bò nhà của người dân, tuy nhiên, chưa xác định được có tạo ra thế hệ kế tiếp hay không”.

Hiện, đàn bò tót lai đang được nuôi dưỡng trong điều kiện bán hoang dã tại Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, tỉnh Khánh Hòa (sau khi 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa sáp nhập), chi phí thức ăn và công chăm sóc hơn 100 triệu đồng/năm.

 Đàn bò tót lai đang được nuôi dưỡng trong điều kiện bán hoang dã tại Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, tỉnh Khánh Hòa, chi phí thức ăn và công chăm sóc hơn 100 triệu đồng/năm.

Đàn bò tót lai đang được nuôi dưỡng trong điều kiện bán hoang dã tại Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, tỉnh Khánh Hòa, chi phí thức ăn và công chăm sóc hơn 100 triệu đồng/năm.

Điều đáng nói, đến tháng 12/2025, đề tài nghiên cứu hiện tại (đề tài thứ 3) sẽ kết thúc, tuy nhiên, các tài liệu liên quan của đề tài vẫn đang dừng lại trong các bản báo cáo chưa có tính ứng dụng, cho nên không biết số phận của đàn bò tót lai trong thời gian tới thế nào.

Cần chính sách để bảo tồn, phát triển nguồn gene quý hiếm

Cuối năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận (cũ) đã tổ chức một hội thảo khoa học để đánh giá khả năng phát triển và tìm phương án quản lý, chăm sóc đàn bò tót lai giai đoạn sau năm 2025.

Sau hội thảo, đơn vị đã có báo cáo và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận (cũ) tiếp tục cho phép đánh giá, triển khai các nghiên cứu về nguồn gene bò tót lai theo hướng tiếp cận “chuỗi lai tạo giống”, bao gồm các vấn đề về đánh giá nguồn gene, tạo phôi, thụ tinh nhân tạo, dinh dưỡng, thú ý, môi trường chăn thả…

Các nhà khoa học cũng cho hay, hiện có nhiều công nghệ hiện đại để lai tạo giữa bò tót và bò nhà nhằm bảo tồn nguồn gene các , nhưng đòi hỏi chi phí lớn.

Các chuyên gia cũng đề nghị tính toán phương án chuyển giao một số cá thể bò tót đực lai khỏe mạnh cho các cơ quan có chuyên môn như Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương để huấn luyện, khai thác sản xuất tinh đông lạnh phục vụ công tác bảo tồn, phát triển nguồn gene để tiếp tục nhân giống. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này cũng chỉ dừng lại trong khuôn khổ hội thảo.

Trong khi đó, theo thông tin từ Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, qua đặt bẫy ảnh tại khu vực từ tháng 10/2023 đến nay, đã phát hiện dấu chân, dấu phân thải, bãi nghỉ, vết cà xước trên cây của bò tót rừng tại suối Gia Nhông và suối Đá Đen.

Cụ thể, tại suối Gia Nhông ghi nhận có 2 đàn bò tót, đàn thứ nhất ước lượng từ 4-6 con; đàn thứ hai từ 3-4 con bò tót trưởng thành. Còn tại suối Đá Đen ghi nhận đàn bò tót 6-7 con.

Nhằm tiếp tục bảo vệ, chăm sóc đàn bò tót lai để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ du lịch, giáo dục môi trường rừng trong thời gian tới, đề nghị tỉnh Khánh Hòa sớm có kế hoạch để bảo tồn và phát triển nguồn gene bò tót lai tại Vườn Quốc gia Núi Chúa-Phước Bình, vì hiện tại, các cá thể bò tót lai đã đến độ tuổi cuối của vòng đời cho nên rất dễ mắc bệnh, chết, dẫn đến mục tiêu lai tạo giống bò hoàn toàn mới (lai giữa bò tót rừng hoang dã và bò nhà) đang đứng trước nguy cơ sẽ không còn nữa.

NGUYỄN TRUNG-DUY THĂNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/som-co-giai-phap-bao-ton-va-phat-trien-nguon-gene-bo-tot-lai-o-bac-ai-khanh-hoa-post895181.html