Sớm có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường đối với cơ sở tái chế bao bì tại huyện Triệu Sơn
Nhiều năm nay, tại xã Thái Hòa và các xã lân cận huyện Triệu Sơn có hàng chục cơ sở tái chế bao bì hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc chấn chỉnh, nhưng tình trạng trên vẫn không cải thiện?!
Các cơ sở thu gom, tái chế bao bì ở xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn tập kết nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường.
Nhếch nhác, mất mỹ quan...
Đi dọc các thôn Thái Yên, Thái Phong, xã Thái Hòa chúng tôi thấy hàng chục cơ sở tái chế bao bì hoạt động tấp nập. Bên cạnh đó là những bao bì được tập kết lấn chiếm không gian công cộng, gây mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm, gây ô nhiễm môi trường. Ông Lê Văn H. một người dân xã Thái Hòa cho biết: “Hoạt động thu gom, tái chế bao bì bắt đầu manh nha xuất hiện từ những năm 2000. Thời điểm bấy giờ mới chỉ có 4 - 5 cơ sở, đến nay số lượng các cơ sở giặt, tái chế bao bì tại xã đã lên tới hàng chục cơ sở lớn nhỏ”.
Cũng theo ông H.: “Việc tái chế bao bì tại các cơ sở trên địa bàn xã là hoạt động tự phát. Phần lớn các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, số còn lại nằm dọc chân đê sông Nhơm. Các cơ sở hoạt động gây bụi bặm, đặc biệt vào mùa nắng nóng, hanh heo; vào mùa mưa thì tình trạng tập kết gây nhếch nhác, hôi thối. Dù cũng đã kiến nghị nhưng vẫn không thấy có chuyển biến”.
Theo quan sát, tại các cơ sở này cho thấy, nguồn nguyên liệu chủ yếu là bao bì sản phẩm và bao bì xi măng được thu gom vận chuyển từ khắp nơi về tẩy giặt rồi phân loại thành nguyên liệu để làm hạt nhựa và giấy ép bìa. Quá trình tái chế này đã làm ảnh hưởng đến môi trường do bụi xi măng, bột và nước thải, nước tẩy trắng thải ra môi trường. Mặc dù, phần lớn các cơ sở đã sử dụng bể lắng lọc trước khi xả ra môi trường nhưng khâu xử lý còn khá sơ sài. Điều đáng lo ngại, để thuận tiện cho việc duy trì hoạt động, các cơ sở chủ yếu tập trung dọc bờ sông Nhơm. Ngoài việc lấy nguồn nước cấp cho hoạt động, còn là chỗ cho các cơ sở xả nước thải ra môi trường.
Chủ yếu các cơ sở thu gom, tái chế bao bì trên địa bàn xã Thái Hòa hoạt động dọc bờ sông Nhơm.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Thái Hòa có 33 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu, hoạt động với quy mô nhỏ lẻ chủ yếu mang tính chất hộ gia đình. Mỗi cơ sở thường có 1 đến 2 máy giặt, công suất giặt khoảng 5.000 bao bì/máy giặt/ngày và 1 máy xeo giấy (thu hồi khoảng 3 - 4 tạ bột giấy/máy giặt/ngày). Hiện, có 5 cơ sở ngoài giặt bao bì thu hồi bột giấy còn sản xuất thêm hạt nhựa. Các cơ sở sử dụng nước khoảng 100 - 200m3/ngày, cá biệt có cơ sở dùng trên 1.000m3 nước/ngày, nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước mặt lấy từ sông Nhơm.
Sớm đầu tư hạ tầng khu sản xuất tập trung
Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Triệu Sơn đã tiến hành đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở giặt và tái chế bao bì. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở hoạt động tự phát, sản xuất ngay trên phần diện tích đất của hộ gia đình, đất nông nghiệp, đất lấn chiếm hành lang đê sông Nhơm. Ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở chưa cao, không có hồ sơ, thủ tục về môi trường, tài nguyên nước, sử dụng đất sai mục đích, chưa đầu tư hoàn chỉnh các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo quy định, nước thải hầu hết chưa xử lý đảm bảo quy định, đang xả trực tiếp ra môi trường; đổ chất thải rắn ra bờ sông Nhơm trái quy định.
Ngày 27-8-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Kết luận số 710/KL-STNMT về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở giặt và tái chế bao bì ở xã Thái Hòa (Triệu Sơn). Theo đó, đã có 27 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 27 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là 792 triệu đồng.
Ngày 17-5-2022, UBND huyện Triệu Sơn đã ban hành thông báo Kết luận số 6370/TB-UBND về kiểm tra công tác quản lý đất đai, môi trường trên thị trấn Nưa và xã Thái Hòa. Theo đó, đối với các cơ sở hoạt động trái phép trên đất do UBND xã Thái Hòa quản lý, yêu cầu UBND xã Thái Hòa nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các tồn tại nêu trên. Đối với các cơ sở có vi phạm, yêu cầu dừng hoàn toàn các hoạt động sản xuất và di dời máy móc, tháo dỡ công trình vi phạm. Đề nghị Điện lực Triệu Sơn rà soát lại toàn bộ các hợp đồng cung ứng điện và chấm dứt các hợp đồng cung ứng điện đối với các cơ sở do không đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường, thời gian xong trước ngày 30-5-2022.
Ông Nguyễn Văn T. chủ cơ sở tái chế bao bì xã Thái Hòa cho biết: “Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh gia đình đã thực hiện các biện pháp xử lý môi trường. Tuy nhiên, do đặc thù của nghề không thể tránh khỏi việc ảnh hưởng đến môi trường. Hơn nữa, tiềm lực kinh tế của gia đình còn hạn chế nên để đầu tư hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn còn nhiều khó khăn. Cũng mong các cấp, ngành, sớm triển khai hạ tầng cụm sản xuất, kinh doanh với hệ thống xử lý môi trường tập trung để các hộ sản xuất, kinh doanh tái chế bao bì trên địa bàn xã nói riêng, cũng như các cơ sở sản xuất thuộc các xã lân cận có nhu cầu, sớm được di chuyển vào khu sản xuất tập trung để yên tâm hoạt động”.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn, cho biết: “Hiện, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch khu sản xuất, kinh doanh với diện tích gần 20 ha tại xã Thái Hòa. Tới đây, huyện sẽ tổ chức kêu gọi nhà đầu tư về hạ tầng, cũng như khu xử lý môi trường tập trung, đảm bảo tiêu chuẩn. Từ đó, di dời các cơ sở vào hoạt động ổn định, đảm bảo vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất”.