Sớm cụ thể hóa giải pháp
Theo các chuyên gia, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ngày 4.11, cả câu hỏi và câu trả lời đều có trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vấn đề. Điều các chuyên gia mong đợi là hai bộ trưởng cần sớm cụ thể hóa giải pháp nêu ra.
Ông NGÔ TUẤN ANH, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam:
Giải pháp căn cơ là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra
Theo dõi phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ngày 4.11, có thể thấy các câu hỏi đều tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống, như liên thông hệ thống chuyển đổi số, lộ lọt thông tin cá nhân, lừa đảo qua mạng… Nội dung trả lời của Bộ trưởng rất ngắn gọn, súc tích, rõ giải pháp, giải quyết được những vấn đề mà các đại biểu đặt ra.
Tôi rất tâm đắc với quan điểm của Bộ trưởng là “ngoài đời sao thì trên mạng như vậy”. Điều này hàm ý trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều bộ, ngành khác nhau tham gia quản lý xã hội, như Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ Công thương quản lý về kinh tế… Như vậy, trên không gian mạng, để bảo đảm an toàn, phát triển bền vững, cùng với vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần sự chung tay của các bộ, ngành.
Thực tế, thời gian qua, trên mạng tràn lan các thông tin giả, xấu độc và lan truyền rất nhanh. Nếu nhìn qua, nhiều người sẽ khó nhận biết được. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam! Tôi rất đồng tình với Bộ trưởng, muốn giải quyết triệt để, cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm soát, có chế tài đủ mạnh; đồng thời, phía người dân cũng phải tạo “sức đề kháng” để tiếp nhận thông tin. Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng là rất cần thiết, bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ hơn trong ứng xử trên không gian mạng.
Mặt khác, lộ lọt thông tin cá nhân cũng là vấn đề rất bức xúc hiện nay. Thường mỗi ngày, mỗi người có thể nhận 1 - 2 cuộc gọi rác. Vậy thông tin đó từ đâu ra là vấn đề rất đáng quan tâm. Theo tôi, muốn giải quyết căn cơ là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng, các công ty viễn thông. Các đơn vị sử dụng dịch vụ cần nói không với dịch vụ quảng cáo rác, vì chắc chắn thời gian tới sẽ bị xử lý.
Ông HUỲNH THANH VẠN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam:
Phát triển doanh nghiệp số là ưu tiên hàng đầu
Tôi hoàn toàn tán thành với quan điểm coi phát triển doanh nghiệp số của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những cách tự lực, tự cường. Bởi lẽ, kinh tế số, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Muốn lớn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp, rộng hơn là toàn nền kinh tế không thể đứng ngoài cuộc.
Thực tế, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới chuyển đổi số, kinh tế số, với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư; Thủ tướng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03.6.2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số.
Chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu đó nếu như thiếu vai trò đầu tàu, dẫn dắt của doanh nghiệp số. Nói cách khác, muốn chuyển đổi số, kinh tế số thì phát triển doanh nghiệp số phải là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, cả nước đã có khoảng 75.000 doanh nghiệp số nên mục tiêu 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025 là rất khả thi! Tuy vậy, nhiều vấn đề đang đặt ra cho các doanh nghiệp này.
Trực tiếp tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm cả những doanh nghiệp về công nghệ, điều mà chúng tôi nhận thấy rõ họ thường rất trẻ, ít kinh nghiệm và kỹ năng. Bởi thế, nhiều trường hợp dù ý tưởng tốt, có tư duy về khởi nghiệp song không thể cụ thể hóa, đồng nghĩa mất đi cơ hội.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này thường rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ nên khó phát triển. Thậm chí, có những doanh nghiệp công nghệ số mới thành lập thường rất ít khi được tin tưởng đặt hàng mà thường tập trung vào những doanh nghiệp lớn, có uy tín lâu năm. Vì thế, thông điệp “hãy trao cho doanh nghiệp số nhiều cơ hội hơn” như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu là rất đúng và trúng.
Muốn vậy, hãy bắt đầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước bằng việc chủ động đặt hàng, giao việc cho các doanh nghiệp số. Đây chính là cách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển.
Song song với đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với sự phát triển của doanh nghiệp số. Đặc biệt, phải chú trọng đào tạo nhân lực số. Tôi hoàn toàn đồng tình với Bộ trưởng rằng giải pháp đột phá phải là đại học số. Nhân lực số không thể chỉ trong các trường đại học, cao đẳng mà phải là toàn dân. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến cho người dân, công chức là rất cần thiết. Vấn đề là, cần có tổng kết, đánh giá thường xuyên, định kỳ, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Bà TRẦN THỊ HIỀN, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng Hà Nam:
Xác định rõ thời gian hoàn thiện khung năng lực vị trí việc làm
Với hơn 100 đại biểu Quốc hội đăng ký đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trong phiên chất vấn chiều ngày 4.11 phần nào cho thấy cử tri có rất nhiều tâm tư đối với lĩnh vực quản lý của ngành nội vụ.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, song trước đó Bộ trưởng đã từng tham gia “chia lửa” giải trình với các thành viên Chính phủ về những vấn đề liên quan. Có lẽ bởi thế nên dù thời gian trả lời được khống chế không quá 3 phút/nội dung chất vấn và trả lời một lần cho 3 câu hỏi, Bộ trưởng vẫn bảo đảm được thời gian, thậm chí còn dư. Điều đó cho thấy Bộ trưởng đã nắm rất vững vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình, trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu.
Một trong những vấn đề được cử tri rất quan tâm là tinh giản biên chế. Kết luận số 40-KL/TW ngày 18.7.2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 yêu cầu trong cả giai đoạn, toàn hệ thống chính trị phải tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đây là một công việc rất lớn, rất nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến con người và thực sự không dễ dàng. Chúng ta không thể tinh giản một cách cơ học!
Bộ trưởng đã nêu ra 3 nhóm giải pháp căn bản. Đó là tiếp tục cơ cấu lại tổ chức, bộ máy hành chính bên trong của các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương; tập trung hoàn thiện xác định vị trí việc làm, khung năng lực để có cơ sở xác định biên chế các cơ quan, đơn vị hành chính lẫn các đơn vị sự nghiệp, với tinh thần cố gắng làm nhanh nhất có thể; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để dù giảm số biên chế nhưng vẫn đáp ứng khối lượng công việc. Tôi rất tán thành các giải pháp này.
Để tinh giản biên chế hiệu quả cần sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Dù vậy, với vai trò là người đứng đầu của cơ quan quản lý chuyên ngành lĩnh vực nội vụ, tôi mong rằng Bộ trưởng sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp trên. Đặc biệt, Bộ trưởng cần xác định rõ thời gian hoàn thành khung năng lực của vị trí việc làm thay vì lời hứa cố gắng hoàn thành sớm nhất, để trên cơ sở đó cử tri giám sát được. Các giải pháp Bộ trưởng đưa ra cần nhanh chóng triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm lớn nhất. Như thế, có cơ sở tin rằng, việc tinh giản biên chế sẽ đạt mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra!