Sớm đăng ký mã vùng trồng, nhiều nông sản Gia Lai xuất khẩu chính ngạch

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã ở tỉnh Gia Lai đã đẩy nhanh việc đăng ký mã vùng trồng và cơ sở đóng gói cho các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều nông sản của Gia Lai đã được xuất khẩu chính ngạch tới các thị trường trên thế giới.

Với hơn 100ha chanh leo, năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm (xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã hoàn thiện các thủ tục đăng ký 7 mã số vùng trồng sản phẩm. Bà Đỗ Thị Thơm - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, nhờ vậy, hiện sản phẩm của hợp tác xã đã được xuất bán chính ngạch sang Trung Quốc. Đặc biệt, sản phẩm chanh dây tươi loại 1 được xuất sang Pháp và Thụy Sĩ.

“Hợp tác xã đã kết hợp với bà con nông dân và các hợp tác xã khác để lập nên quy trình canh tác đúng chuẩn theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài và trong nước. Hiện tại, theo mô hình truy xuất nguồn gốc tại chỗ, để truy xuất nguồn gốc theo từng nông hộ luôn, để cùng nhau phát triển. Hiện tại, số nguyên liệu tăng lên gấp đôi so với những năm trước”, bà Đỗ Thị Thơm nói.

Sản phẩm chuối Nam Mỹ của Công ty Hưng Sơn. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Sản phẩm chuối Nam Mỹ của Công ty Hưng Sơn. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Tương tự, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cũng đã hoàn thiện các thủ tục và được cấp 7 mã số vùng trồng chuối, 3 mã số cơ sở đóng gói cho 400 ha chuối tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ông Lê Hoàng Linh - Giám đốc trang trại chuối của công ty cho biết, đây không chỉ là tấm vé thông hành cho chuối xuất khẩu, mà nhờ đó ngày càng nhiều đối tác nước ngoài tìm đến đặt hàng. Năm ngoái, công ty đã xuất khẩu được gần 20.000 tấn chuối, kế hoạch 2023 là khoảng 24.000 tấn.

“Từ lúc trồng, doanh nghiệp đã đăng ký mã vùng trồng luôn. Thành ra, từ lúc trồng, công ty tự đóng gói, tự xuất khẩu hàng ra nước ngoài, không phải qua đầu mối trung gian nào, giảm chi phí sản xuất. Mục tiêu của công ty tới đây sẽ mở rộng thị trường mới nhưng chú trọng vào sản phẩm, tránh rủi ro trong kinh doanh", ông Lê Hoàng Linh cho biết.

Tới cuối 2022, toàn tỉnh Gia Lai đã được cấp 99 mã số vùng trồng cho 6.700 ha cây trồng, chủ yếu là chuối, chanh leo, ớt, dưa hấu, thanh long… Cùng với đó là 24 mã số cơ sở đóng gói, với tổng công suất 700 tấn quả tươi/ngày.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai (bìa trái) cùng lãnh đạo Trung tâm khuyến nông Quốc gia thăm vườn chanh leo tiêu chuẩn xuất khẩu tại Thành phố Pleiku. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai (bìa trái) cùng lãnh đạo Trung tâm khuyến nông Quốc gia thăm vườn chanh leo tiêu chuẩn xuất khẩu tại Thành phố Pleiku. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ông Lê Tấn Hùng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Đoa, một trong những huyện có nhiều mã vùng trồng nhất tại tỉnh Gia Lai, cho biết cách triển khai của địa phương: “Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tổ chức kết nối, tổ chức các doanh nghiệp đăng ký mã vùng trồng cho người dân. Tới nay, Đăk Đoa có 20 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho nông sản trên địa bàn cho chủ yếu 3 loại nông sản là chanh dây, chuối và sầu riêng. Tiếp theo, chúng tôi sẽ làm trên những loại cây trồng khác, đặc biệt quan tâm đến cây ăn quả là chính; đẩy mạnh liên kết sản xuất, xuất khẩu ổn định, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn trong những năm tiếp theo”.

Những năm qua, sản lượng nông sản xuất khẩu của tỉnh Gia Lai liên tục tăng. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 660 triệu USD, trong đó, gần 80% đến từ nông sản. Có được điều này, bên cạnh các yếu tố như sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp trong tận dụng các hiệp định thương mại, chính sách ưu đãi về xuất khẩu, còn có việc chủ động triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sản phẩm… Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, năm nay, tỉnh phấn đấu xây dựng được 180 đến 200 mã số vùng trồng và khoảng 40 đến 50 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

“Trong năm qua, ngành Nông nghiệp tích cực thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng, để đảm bảo sản phẩm của chúng ta có địa chỉ rõ ràng, công khai minh bạch để vào các thị trường. Tỉnh có định hướng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, được kiểm soát, công khai, minh bạch từ khâu đầu đến khâu cuối, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính”, ông Lưu Trung Nghĩa thông tin.

Cùng với liên kết sản xuất theo chuỗi, việc tích cực đẩy nhanh đăng ký mã vùng trồng nông sản là bước đi quan trọng của tỉnh Gia Lai hướng tới thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị nông sản của địa phương, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững./.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/som-dang-ky-ma-vung-trong-nhieu-nong-san-gia-lai-xuat-khau-chinh-ngach-post1002049.vov