Sớm đầu tư cảng cá đạt tiêu chuẩn

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra cơ sở hạ tầng tại Cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) hồi cuối năm 2019. Ảnh: ANH NGỌC

Hiện nay, luồng lạch vào các cảng cá trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị bồi lắng gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, một số hoạt động dịch vụ hậu cần chưa đi vào nề nếp. Để phát triển bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, khảo sát, đánh giá tổng thể lại hiệu quả đầu tư, sự phù hợp với vị trí của các cảng cá khi thực hiện thêm các nhiệm vụ mới.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã quan tâm hỗ trợ đầu tư nhiều dự án ở Phú Yên, trong đó có các dự án đầu tư, nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn. Các công trình sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần đưa nghề khai thác hải sản phát triển một cách bền vững.

Chưa mang lại hiệu quả cao

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cảng cá lớn gồm Cảng cá Dân Phước (TX Sông Cầu), Cảng cá Tiên Châu (huyện Tuy An), Cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) và Cảng cá Phú Lạc (huyện Đông Hòa). Ông Hà Viên, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Phú Yên, cho biết: Hiện nay, các cảng cá này vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên một số cảng đang được khai thác nhưng hiệu quả chưa cao vì luồng lạch vào cảng thường bị bồi lắng, ảnh hưởng đến các loại tàu lớn hơn 500CV khi cập bến…

Ngư dân bốc dỡ thủy sản khai thác tại Cảng cá Dân Phước (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

Ngư dân bốc dỡ thủy sản khai thác tại Cảng cá Dân Phước (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

Cũng theo ông Hà Viên, Cảng cá Dân Phước vừa được đầu tư nâng cấp mở rộng với nhiều hạng mục, trong đó cầu cảng tiếp nhận hàng thủy sản với chiều dài 96m, khu vực vùng nước trước cầu cảng từ mép nước trở ra 20m được nạo vét với độ sâu -3m (so với mực nước thủy triều thấp). Sau khi được đầu tư nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng, Cảng cá Dân Phước có năng lực tiếp nhận khoảng 60 lượt/ngày đối với tàu cá có công suất khoảng 500CV. Tuy nhiên, hiện nay vùng nước trước cầu cảng bị cạn do bồi lắng tự nhiên, tàu công suất từ 500CV trở lên vào cập cảng để bốc dỡ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm thủy triều xuống thấp. Tương tự, Cảng cá Tiên Châu có năng lực tiếp nhận khoảng 60 lượt/ngày đối với tàu cá có công suất khoảng 600CV, sản lượng thủy sản qua cảng khoảng 7.000 tấn/năm nhưng hiện nay luồng lạch vào cảng cũng bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền cập cảng. Đối với Cảng cá Đông Tác cũng vừa được đầu tư nâng cấp, nạo vét khu vực trước cầu cảng và khu neo đậu nên tình trạng tàu cá bị mắc cạn cơ bản được khắc phục thời gian gần đây. Cảng cá này có năng lực tiếp nhận khoảng 120 lượt/ngày đối với tàu cá có công suất khoảng 1.000CV, sản lượng thủy sản qua cảng khoảng 15.000 tấn/năm. Còn Cảng cá Phú Lạc có năng lực tiếp nhận khoảng 80 lượt/ngày đối với tàu cá có công suất khoảng 600CV, sản lượng thủy sản qua cảng khoảng 10.000 tấn/năm. Hiện nay, luồng lạch vào khu neo đậu tránh trú ở khu vực này cũng bị bồi lấp, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào.

Theo Sở NN-PTNT, tỉnh đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tỉnh Phú Yên trình Bộ NN-PTNT. Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, dự án này sẽ được đầu tư xây dựng tại khu phố 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) với diện tích khoảng 6,4ha. Tuy nhiên, hiện khu vực này bị triều cường xâm thực, Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang triển khai xây dựng tuyến kè Xóm Rớ giai đoạn 2 nên diện tích giảm khoảng 1,3ha so với quy hoạch ban đầu. Sở NN-PTNT đang xin ý kiến của UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành liên quan để thực hiện việc đo đạc, cắm mốc giới ngoài thực địa đối với khu đất này.

Tăng cường quản lý và đầu tư

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Đối với các cảng cá bị ảnh hưởng bồi lấp luồng lạch, Sở NN-PTNT đã kiến nghị tỉnh cho phép khảo sát, lập dự án đầu tư nạo vét nhằm đảm bảo tàu công suất lớn vào cập cảng và bốc dỡ hàng hóa. Trước mắt, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Ban quản lý Cảng cá Phú Yên tăng cường nhân viên hướng dẫn điều độ, sắp xếp tàu thuyền ra vào cập cảng tại các vị trí thích hợp, giải phóng nhanh số hàng hóa của ngư dân… nhằm đảm bảo tàu cá cập cảng và bốc dỡ hàng hóa an toàn.

Khu vực phân loại cá tại Cảng cá Phú Lạc (huyện Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Khu vực phân loại cá tại Cảng cá Phú Lạc (huyện Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Sở NN-PTNT đang rà soát, bố trí nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp cho Ban quản lý Cảng cá Phú Yên, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất về mặt chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác quản lý cảng cá. Sở cũng yêu cầu Ban quản lý Cảng cá Phú Yên chủ động phối hợp với các địa phương ven biển tham gia quản lý các cảng cá hiện có, tăng cường quản lý hoạt động các cảng cá hiệu quả, ổn định để thực hiện tự chủ về tài chính; vận động các chủ cơ sở nước đá, chế biến thủy sản không đúng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị vào các cảng cá để đầu tư dịch vụ hậu cần. Ban quản lý Cảng cá Phú Yên cũng đang lập hồ sơ chỉnh lý việc giao đất, vùng nước các cảng cá nhằm đảm bảo tiêu chí về diện tích đất, diện tích vùng nước cảng theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đã yêu cầu Sở NN-PTNT lập điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng cảng cá và điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng cơ sở hạ tầng cảng cá theo đúng quy định. Sở NN-PTNT cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cảng cá, đồng thời đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư nâng cấp cảng cá đảm bảo các tiêu chí phân loại cảng cá loại I và loại II theo đúng tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT cần phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức khảo sát thực tế, đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư mới khoảng 7 cảng cá loại III để đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần cho các tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m khai thác thủy sản ven bờ, theo hướng thu hút nguồn vốn đầu tư ngân sách và nguồn vốn đầu tư hợp pháp khác; xây dựng, đề xuất mô hình cảng tổng hợp đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Sở NN-PTNT phối hợp với UBND TX Sông Cầu và các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động khoảng 310 chủ tàu khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo (giã cào), chấp hành việc ghi số đăng ký theo quy định, chấp hành nộp nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác đầy đủ và cập cảng bốc dỡ thủy sản theo quy định.

Sở NN-PTNT Phú Yên khẩn trương phối hợp với các ngành và các địa phương liên quan (trường hợp cần thiết thì thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành) khảo sát, đánh giá tổng thể lại hiệu quả đầu tư, sự phù hợp với vị trí của các cảng cá khi thực hiện thêm các nhiệm vụ mới, nhằm đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ, phát huy được tính năng của cảng kết hợp với đa mục đích, như cảng hậu cần nuôi biển, cảng phục vụ du lịch…

Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/237376/som-dau-tu-cang-ca-dat-tieu-chuan.html