Sớm đưa dòng vốn tới tay doanh nghiệp

Tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Điều này được minh chứng bằng kết quả dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay có sự tăng trưởng khá hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Dây chuyền sản xuất các linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Flexcom Việt Nam, tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Dây chuyền sản xuất các linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Flexcom Việt Nam, tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%). Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất là 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỷ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Trong quý III năm 2023, các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng như: giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, triển khai nhiều gói vay ưu đãi, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho khách hàng trên địa bàn tỉnh là 294 tỷ đồng cho hơn 88 lượt khách hàng.

Hơn 1 năm trước, Công ty TNHH Toàn Xuyên (xã Đức Long, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) chỉ hoạt động cầm chừng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, giá cả nguyên nhiên liệu tăng cao. Tại thời điểm khó khăn đó, công ty đã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Quế Võ. Nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái đầu tư, duy trì sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Quang Chinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Toàn Xuyên cho biết, với nguồn vốn của Agribank, công ty như được tiếp thêm nguồn lực trong lúc đang hoạt động cầm chừng. Vốn ngân hàng giải ngân kịp thời đã giúp công ty sắm sửa máy móc, mở rộng sản xuất. Nhờ đó, không chỉ duy trì được sản xuất, hiện công ty còn tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc hiện đại, nâng công suất, hiện đại hóa các dây truyền sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Giám đốc Agribank Quế Võ chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn chung, Agribank luôn nỗ lực đưa đồng vốn đến tay doanh nghiệp và người dân kịp thời, để vốn ưu đãi được phục vụ sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, chi nhánh Agribank Quế Võ luôn tạo mọi điều kiện bằng cách đơn giản hóa thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, nhanh chóng.

Ông Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong việc đầu tư vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thế mạnh của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh cả ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay. Qua đó, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đóng góp cho các chỉ số tăng trưởng của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc triển khai hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, các chương trình tín dụng hỗ trợ, lãi suất của Chính phủ. Các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp chủ động nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy nội lực, xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh phù hợp, có chất lượng để tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng, sớm hồi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị, thời gian tới ngành ngân hàng cần tiếp tục có giải pháp tín dụng phù hợp tăng cường khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, tăng cường kết nối, phát huy đường dây nóng, chủ động giải quyết các vướng mắc giữa ngân hàng, doanh nghiệp.

Đồng thời, mở rộng tín dụng, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng để thực hiện sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Với những giải pháp của ngành Ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của Bắc Ninh.

Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng tại Bắc Ninh. Cụ thể, cơ quan này tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng đó, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề; trong đó, có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023./.

Đỗ Huyền/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/som-dua-dong-von-toi-tay-doanh-nghiep/308146.html