Sớm đưa Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chiều 21/11, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Có cơ chế, chính sách đặc thù để Huế phát triển nhanh, bền vững
Các ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận Hội trường đều thể hiện sự đồng tình, thống nhất rất cao với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đồng thời, các ý kiến cũng bày tỏ mong muốn, kỳ vọng và đề xuất nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để Huế xứng đáng là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương; phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm với mong đợi của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội và đặc biệt là của Bộ Chính trị, của Trung ương và của dân tộc Việt Nam.
Tán thành với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, bên cạnh mặt tích cực, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cũng đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần có giải pháp để giải quyết các tác động tiêu cực phát sinh khi chuyển thành đô thị trực thuộc Trung ương.
Cụ thể là tâm tư, nguyện vọng của người dân bao đời gắn liền với gia đình, dòng tộc; khó khăn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính khi phải kê khai thay đổi địa chỉ, thay đổi giấy tờ cá nhân, đồng bộ dữ liệu cá nhân theo Đề án 06; chính quyền địa phương phải chuyển đổi từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị ít nhiều cũng khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, xáo trộn đến đời sống Nhân dân.
“Để đô thị Huế đóng vai trò đô thị trung tâm kết nối vùng; có năng lực cạnh tranh và thương hiệu ở tầm khu vực, quốc tế thì cần kế thừa, phát huy những chủ trương, chính sách mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định, triển khai trước đây..”, Đại biểu Tú Anh đề nghị.
Cùng quan điểm, Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) lưu ý, với định hướng này, cần có các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh; nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành, khu vực lân cận các điểm di tích, khu vực dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
Ngoài ra, khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng, gắn với việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và nhiều công việc khác phải chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích không nhỏ đất nông - lâm nghiệp. Vì vậy, Đại biểu Kiều đề nghị quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan như nắng hạn, xâm nhập mặn… Bên cạnh đó, cần quan tâm việc bảo vệ đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tới vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa…
Giải quyết hiệu quả, kịp thời các vấn đề phát sinh
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Đây là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam và sẽ là thành phố di sản văn hóa của thế giới, thành phố đậm đặc di sản văn hóa của nhân loại với 8 di sản được UNESCO công nhận và vinh danh.
Giải trình, làm rõ ý kiến mà các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế, trong đó lấy bảo tồn làm cốt lõi để xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương với mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tốt hơn, mạnh hơn, chất lượng hiệu quả hơn; tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển của Huế và tạo sức lan tỏa cho Huế với cả vùng và đất nước phát triển.
Không những thế, cần đổi mới tư duy trong phát triển đô thị Việt Nam, bảo đảm vừa kế thừa, phát triển xanh, văn minh, bản sắc giữa phát triển của thành phố Huế trực thuộc Trung ương đặt trong tổng thể phát triển đô thị Việt Nam và trong cả tổng thể hệ thống mạng lưới đô thị, mạng lưới di sản của thế giới. Theo đó, phải tạo ra được một không gian đô thị của Việt Nam đa dạng hơn, phong phú hơn và hiện đại, góp phần tham gia vào sự dẫn dắt, phát triển đất nước.
Hơn nữa, khi xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải thực hiện mục tiêu tinh gọn, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Thừa Thiên Huế. Sau sắp xếp, sẽ giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện là 09 và giảm 08 đơn vị hành chính cấp xã.
Đối với các ý kiến đề nghị cần có cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội 02 báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết 38 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù cho phát triển Thừa Thiên Huế. Vì vậy, trước mắt sẽ vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 38; đồng thời, Chính phủ sẽ phối hợp và tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tập trung để tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, từ đó tham mưu để Quốc hội ban hành một nghị quyết mới với cơ chế, chính sách nổi trội, mạnh và toàn diện hơn...
Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như đề xuất tại dự thảo Nghị quyết. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung: mục đích thành lập chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; tên gọi của thành phố; tổ chức bộ máy của thành phố Thủy Nguyên; cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường…