Sớm đưa Luật Thủ đô vào thực tiễn

Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/6, gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá cho Thủ đô Hà Nội. Ảnh: T.N.

Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá cho Thủ đô Hà Nội. Ảnh: T.N.

Chuẩn bị tốt để tuyên truyền hiệu quả

Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới, mang tính đột phá cho Hà Nội. Để Luật Thủ đô sửa đổi nhanh chóng đi vào thực tiễn, UBND TP Hà Nội đã giao các đơn vị tích cực triển khai tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành luật vào thực tiễn cuộc sống.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội cho biết, Thành ủy, UBND thành phố và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Để tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) trong thời gian tới, bà Hương cho biết, sở đang tham mưu xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về Thủ đô cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên địa bàn Thủ đô.

Những tháng còn lại của năm 2024, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, truyền thông về Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng hình thức phù hợp.

“Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển khai tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Cùng với đó là xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền về Luật Thủ đô; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả các ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật” - bà Hương cho biết.

Ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Hà Nội cho biết, để triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), sở đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định chi tiết thi hành luật trong ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi Sở KHĐT Hà Nội quản lý đến toàn thể cán bộ, công chức thuộc sở. Đồng thời, chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc lĩnh vực mình phụ trách để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô nhằm áp dụng thuận lợi và hiệu quả khi luật có hiệu lực thi hành.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội diễn ra hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố đã giao nhiệm vụ, “từ tháng 9/2024 phải có sự chuyển động của toàn thành phố trong tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô năm 2024”.

Ông Sơn đề nghị cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ báo cáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn luật.

Đề cao vai trò của báo chí trong tuyên truyền Luật Thủ đô

Để đẩy nhanh việc tuyên truyền Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND tổ chức phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở và các đơn vị, tổ chức có liên quan (tập thể); cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân có tham gia các hoạt động triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Phong trào thi đua được tổ chức nhằm tạo khí thế sôi nổi, thu hút sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở và các đơn vị có liên quan; thúc đẩy các mô hình sáng kiến, sáng tạo trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định.

Ngày 22/8, Văn phòng UBND TP Hà Nội cũng đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố tại phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội.

Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật. Khai thác có hiệu quả các ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức triển khai vận hành trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua các chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các báo, đài theo những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố…

THÁI NHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/som-dua-luat-thu-do-vao-thuc-tien-10288665.html