Sớm đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường
Kinh tế của TP Hồ Chí Minh bị tác động lớn bởi dịch Coivid-19 suốt nhiều tháng qua. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thành phố, công tác phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả tốt, tạo tiền đề cho thành phố triển khai những giải pháp khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội, sớm đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Những gam màu trầm
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức tăng trưởng kinh tế trong quý I năm 2020 của thành phố đã không đạt như kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ba tháng đầu năm ước đạt 335.682 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cùng kỳ. Hầu hết các khu vực, các ngành kinh tế của thành phố đều có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019. Chịu tác động nhiều nhất chính là khu vực thương mại dịch vụ, khi mức tăng của khu vực này chỉ bằng 98,77%, giảm 1,23% so với cùng kỳ. Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây hiện rơi vào tình trạng suy thoái, hoạt động cầm chừng với 5 trong số 9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như: vận tải kho bãi, kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo, y tế...
Du lịch là ngành bị tác động sâu do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong ba tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 1,3 triệu lượt khách, chiếm 14,49% kế hoạch của năm, giảm 42,26% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch thành phố ba tháng đầu năm ước đạt 25.591 tỷ đồng, đạt 18,28% so với kế hoạch năm, giảm 26% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 3, lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 117.000 lượt khách, giảm 84,23% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch trong tháng 3 ước đạt 3.496 tỷ đồng, giảm 65,26% so với cùng thời điểm năm 2019.
Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, quý I, lượng khách và doanh thu của các doanh nghiệp du lịch liên tục giảm. Một số doanh nghiệp lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, có đến 90% số doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tạm ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp tư nhân lớn chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp du lịch cho nhân viên nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch sẽ đi làm lại.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm, tác động của dịch Covid-19 tập trung vào nửa cuối tháng 3 và tiếp tục ảnh hưởng đến thành phố trong quý II. Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề nhất do có quy mô nhỏ, không đủ khả năng cầm cự thời gian dài trước các ảnh hưởng của dịch. Theo số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây nhất của Cục Thống kê, dự báo có khoảng 70.000 lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố sẽ bị ảnh hưởng trong các tháng sắp tới do kinh doanh đình trệ.
Trong bức tranh nhiều mảng trầm đó, kinh tế TP Hồ Chí Minh vẫn có những điểm sáng chứng minh những nỗ lực vượt khó của thành phố trong mùa dịch. Dù tăng trưởng các ngành bị ảnh hưởng khá nặng nhưng xuất khẩu của thành phố vẫn duy trì mức khá trong ba tháng đầu năm ước đạt 9,85 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ, tập trung vào các mặt hàng điện tử, vi tính. Ðáng chú ý, tổng thu ngân sách giảm nhưng thành phố vẫn đóng góp 27% vào tổng thu ngân sách của cả nước.
Sẵn sàng cho "đời sống bình thường mới"
Dù kinh tế bị ảnh hưởng khá lớn, nhưng cùng với cả nước, TP Hồ Chí Minh có những thành công bước đầu trong công tác, phòng, chống dịch Covid-19. Số ca nhiễm Covid-19 giảm nhiều. Thành phố đã khống chế được các ổ dịch, đồng thời mở rộng xét nghiệm, phòng ngừa dịch bệnh ở những nơi có nguy cơ cao như tại các cửa khẩu, nhà lưu trú công nhân tại các khu công nghiệp. Sự chủ động, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của bộ máy chính trị, và sự chung sức của người dân trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch giúp cho thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định, thành phố muốn hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội trong năm 2020 trước hết phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ðây là công việc lâu dài, thường xuyên vì bệnh Covid-19 chưa có vắc-xin điều trị, chưa biết khi nào kết thúc, nên không được chủ quan. Bằng những biện pháp hiệu quả trong thời gian qua, sẽ giúp thành phố từng bước khôi phục kinh tế, đời sống người dân sẽ sớm trở lại trong điều kiện "bình thường mới". "Thành phố phải chuẩn bị những phương án để sẵn sàng bước vào giai đoạn mới, giai đoạn sống trong điều kiện có người nhiễm bệnh nhưng không có dịch" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Thành phố cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử phù hợp với từng ngành, nghề, từng khu vực để ngăn ngừa dịch. Mỗi đơn vị phải có bộ tiêu chí, hành vi cho tập thể, cá nhân nhằm bảo đảm một môi trường an toàn khi trở lại làm việc, sản xuất. Cùng với đó, thành phố cần xây dựng lộ trình mở rộng quy mô để ngành dịch vụ từng bước hoạt động trở lại. Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, sở đã chuẩn bị sẵn sàng các chương trình kích cầu du lịch sau dịch bệnh. Ngoài việc kết nối với các doanh nghiệp du lịch, đơn vị này nâng cấp các điểm du lịch trên địa bàn nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách hơn khi đến thành phố. Thành phố sẽ kiểm soát chặt công tác thu - chi, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh. Ðồng thời đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cùng với nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị đến đầu tháng 5, các đơn vị phải hoàn thành xong đại hội điểm xã, phường để sơ kết, triển khai rộng rãi. Riêng quận, huyện tổ chức đại hội điểm trong tháng 5 và triển khai rộng rãi trong tháng 6. Cùng với đó, các đơn vị trong thành phố phải tiếp tục đẩy mạnh công tác, thực hiện tốt 10 nội dung, chương trình trọng điểm trong đợt thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng các cấp.
Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức để ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi kinh tế mạnh mẽ, xứng đáng là thành phố vì cả nước và cùng cả nước.