Sớm đưa vào hoạt động cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá
Nhà ở kết hợp với xưởng sản xuất đúc nhôm tại Mẫn Xá (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) đang gây ô nhiễm môi trường không khí, nước dẫn đến sức khỏe của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền và và cơ quan chức năng sớm có biện pháp mạnh mẽ để di chuyển toàn bộ hoạt động này vào cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá để quản lý tập trung.
Ô nhiễm môi trường làng nghề ở mức báo động
Làng nghề Mẫn Xá được biết đến là nơi thu mua phế liệu nhôm về nấu, đúc, “cô” lại thành nhôm thanh, nhôm cục… bán cho các lò đúc xoong, nồi. Hiện nay, làng có khoảng 400 lò, xưởng cô nhôm, luyện nhôm trực tiếp xả thải, gây ô nhiễm nước, không khí.
Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2004, tỉnh Bắc Ninh đã có dự án về cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xã (Văn Môn, Yên Phong) với diện tích 40ha.
Đến năm 2016, tỉnh Bắc Ninh quyết định thành lập dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá nằm trên địa bàn thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh với diện tích là phê duyệt là 28 ha. UBND tỉnh Bắc Ninh đã chọn Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 490 tỉ đồng.
Định hướng của địa phương là sớm đưa nơi này thành cụm công nghiệp làng nghề tập trung, xử lý triệt để môi trường, thuận lợi hơn trong quản lý. Theo chủ đầu tư là Tập đoàn Hanaka, đến nay địa phương đã bàn giao được 25 ha và còn 3 ha vẫn chưa được thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư.
Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka cho biết: Diện tích 3 ha chưa được thu hồi vốn là đất ruộng, nhưng bị một số đối tượng mua đi bán lại lấn chiếm xây nhà xưởng, đổ xỉ than… Trong 3 năm qua, chính quyền địa phương vận động nhưng chỉ có 20% trong số 135 xưởng lấn chiếm chấp nhận nhận đền bù.
“Để có diện tích xây dựng nhà máy nước thải, nếu chính quyền không thu hồi được phần đất đang bị lấn chiếm thì bố trí quỹ đất khác để chủ đầu tư xây dựng Nhà máy nước thải. Nếu khi có đất “sạch” thì sau 5 tháng chúng tôi sẽ hoàn thành”, ông Mẫn Ngọc Anh cho biết.
Trong suốt 5 năm qua, Tập đoàn Hanaka và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều đợt tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện việc di dời mọi hoạt động sản xuất truyền thống từ nơi ở ra Cụm công nghiệp Mẫn Xá. Đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, người dân trong việc bảo vệ môi trường, còn là trách nhiệm bảo sức khỏe cho nhân dân xung quanh. Theo thống kê từ trạm y tế, tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến phổi và ung thư tăng nhanh.
Dù biết vào khu công nghiệp làng nghề tập trung sẽ giải quyết vấn đề về môi trường, nhưng đồng nghĩa với chi phí vận hành đầu tư nhà xưởng, xử lý ô nhiễm sẽ lớn hơn, nên vẫn có nhiều xưởng chưa thực hiện.
Sớm quy hoạch thành cum công nghiệp hạ tầng xanh, sạch
Vì mục tiêu phát triển bền vững công nghiệp làng nghề truyền thống, tạo việc làm, Tập đoàn Hanaka đã đầu tư và đã xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đánh giá nhu cầu của người dân thuê mặt bằng để sản xuất và di dời xưởng sản xuất công nghiệp tại gia đình đến Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá. Trong thời điểm này thì người dân được doanh nghiệp Hanaka hỗ trợ giá thuê chỉ từ 4 - 6 triệu đồng/m2 .
Nhà đầu tư mong muốn đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá trở thành một cụm công nghiệp với hạ tầng xanh, sạch, đẹp, hiện đại.
“Đối với một số thông tin cho rằng người dân phản ánh, việc doanh nghiệp áp dụng giá thuê cao và các hộ sản xuất kinh doanh phản đối là không đúng. Hiện đã hoàn thành phần đường dạo, trồng cây xanh, vỉa hè…”, đại diện chủ đầu tư cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Hanaka, việc áp dụng giá thuê mặt bằng trên so với giá thị trường tại khu vực Bắc Ninh là không cao. Trong khi đó người thuê mặt bằng lại được hưởng nhiều các dịch vụ ưu đãi khác, cơ sở hạ tầng hiện đại, thời gian sử dụng đất ổn định, độc lập. Ban quản lý dự án phục vụ tốt mọi nhu cầu có liên quan đến hoạt động sản xuất và người thuê.
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề môi trường, trong quy định hợp đồng thuê mặt bằng, chủ đầu tư cũng yêu cầu đơn vị thuê sản xuất phải đảm bảo vấn đề môi trường, xử lý khí thải, vấn đề ô nhiễm…