Sớm gỡ khó cho Khu công nghiệp Long Thành
Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, hiện Khu công nghiệp (KCN) Long Thành (H.Long Thành) đang có một số vướng mắc khiến công ty hạ tầng KCN và nhiều doanh nghiệp (DN) thứ cấp gặp khó khăn trong hoạt động. Do đó, các DN đều mong tỉnh sớm tháo gỡ để yên tâm sản xuất, kinh doanh.
KCN Long Thành do Công ty CP Sonadezi Long Thành làm chủ đầu tư, có tổng diện tích gần 487ha, thuộc địa bàn 2 xã An Phước và Tam An. Hiện nay, KCN Long Thành thu hút được 125 dự án của DN vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 1,2 tỷ USD. Diện tích đất cho thuê hơn 289ha, tỷ lệ lấp đầy gần 94%.
* Quy hoạch chồng lấn
Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của H.Long Thành có phê duyệt điều chỉnh mở rộng, nối dài một số tuyến đường trong KCN Long Thành với các đường giao thông chung của huyện. Việc điều chỉnh trên dẫn đến chồng lấn vào diện tích đất công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư thứ cấp và diện tích cây xanh của KCN.
Liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch trong KCN Long Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG yêu cầu Sở Xây dựng, Sở GT-VT rà soát lại quy hoạch, sau đó báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7-2022, để UBND tỉnh có hướng giải quyết kịp thời, giúp nhà đầu tư an tâm sản xuất, kinh doanh.
Tổng giám đốc Công ty CP Sonadezi Long Thành Trần Tuấn Anh cho rằng, công ty đã được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án KCN Long Thành từ năm 2003 và được Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết lần đầu vào năm 2004. Sau đó, KCN có thêm 4 lần điều chỉnh chi tiết cục bộ, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt công ty đã triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của KCN. Hiện nay, dự án KCN Long Thành đã cơ bản đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông theo đúng quy hoạch được phê duyệt.
“Các DN có nhà máy tại các khu vực bị chồng lấn diện tích do điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu công trình xây dựng. Do đó, các DN kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét hiện trạng và quy hoạch chi tiết xây dựng KCN để có phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy” - ông Tuấn Anh chia sẻ.
Nhóm DN bị ảnh hưởng trong chồng lấn quy hoạch gồm có: Công ty CP Sametel, Công ty CP Dây và cáp Sacom, Công ty CP Angel Việt Nam, Công ty CP Angel Việt Nam, Công ty TNHH Suheung Việt Nam…, thuộc tuyến đường số 1, 4, 5, 8, 9 và cổng số 4 của KCN.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Nguyễn Hồng Quế nhấn mạnh: “Các quy hoạch bị chồng lấn nên giải quyết theo hướng tôn trọng những quy hoạch có trước. Trong đó, nên giải quyết nhanh vấn đề trên để ít ảnh hưởng đến các DN có vốn đầu tư nước ngoài vì còn liên quan đến tiền thuê đất hằng năm”.
* Chưa xử lý dứt điểm bồi thường, lấn chiếm
Mặc dù KCN Long Thành đã thành lập và đưa vào khai thác gần 20 năm nhưng việc giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng và lấn chiếm đất đai vẫn còn 13 trường hợp chưa xử lý dứt điểm. Trong đó có trường hợp không nhận tiền bồi thường hoặc đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa giao đất và một số trường hợp lấn chiếm đất khu vực giáp ranh.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND H.Long Thành xử lý từ gần 6 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong, gây khó khăn cho công ty đầu tư dự án KCN Long Thành trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành là do một số hộ dân kiện tụng, vì cho rằng diện tích được bồi thường ít hơn so với diện tích sử dụng thực tế. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiến hành giải quyết nhanh các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng của KCN Long Thành, còn các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp sẽ giao cho UBND xã Tam An xử lý”.
Các khu vực bị lấn chiếm đa số là đất giáp ranh với KCN, hiện một số hộ dân đang xây dựng nhà trọ trên đó. Theo Chủ tịch UBND xã Tam An Nguyễn Thị Tâm, xã đã nhiều lần tiến hành vận động các trường hợp lấn chiếm đất giáp ranh của KCN Long Thành trả lại đất nhưng các hộ dân chưa chịu trao trả. Xã đang tiếp tục quản lý chặt những khu giáp ranh để không xảy ra tình trạng lấn chiếm mới và tìm cách xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm.
Về những hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa giao đất cho chủ đầu tư dự án KCN Long Thành là do họ có đông con, cháu nên đề xuất UBND H.Long Thành cấp thêm tái định cư cho hộ phụ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Hiện nay, nhiều KCN trên địa bàn Đồng Nai đều vướng vào tình trạng bồi thường giải phóng mặt bằng và bị lấn chiếm khu vực đất giáp ranh. H.Long Thành phải phối hợp với các xã, công ty hạ tầng giải quyết nhanh tình trạng lấn chiếm đất đai, đền bù cho người dân để có đất giao cho chủ đầu tư hoàn thành cơ sở hạ tầng”.
Hiện nay, các nhà xưởng của DN tại KCN Long Thành có thiết kế khung kèo thép và được bảo vệ bằng lớp sơn chống cháy theo quy định của Bộ Xây dựng, nhưng Bộ Công an đang dừng cấp giấy chứng nhận kiểm định về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến nhiều nhà máy không thể hoàn thiện thủ tục. Do đó, các DN đề xuất cho phép đưa nhà xưởng vào hoạt động trước và sẽ bổ sung giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy sau để không bị chậm tiến độ các dự án.