Sớm gỡ vướng cho dự án cao tốc Bắc - Nam
Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang gặp vướng mắc về vật liệu, nhất là đất đắp nền. Vướng mắc này nếu không được giải quyết sớm hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án.
Các dự án đồng loạt thiếu vật liệu đắp nền
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là hai dự án thành phần của “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang trong giai đoạn thi công khẩn trương. Sau nhiều nỗ lực từ Bộ GTVT cũng như các địa phương nơi có cao tốc đi qua, “nút thắt” GPMB của hai đoạn tuyến này về cơ bản đã được giải quyết xong. Tuy nhiên, ngay sau đó, lập tức xuất hiện một “nút thắt” khác đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đó là thiếu đất đắp nền.
Đơn cử, tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Theo thống kê của đại diện chủ đầu tư, tổng nhu cầu đất đắp nền của dự án này là 9 triệu mét khối, trong khi các mỏ đất hiện tại của tỉnh Bình Thuận khó đáp ứng được nhu cầu. Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới được đáp ứng khoảng 3,5 triệu mét khối vật liệu đắp nền. Điều đó có nghĩa là dự án vẫn còn thiếu hơn 5,5 triệu mét khối. Kể cả trong trường hợp tính luôn trữ lượng từ 6 mỏ đang làm thủ tục cấp phép (khoảng 4,1 triệu mét khối), cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn còn thiếu 1,4 triệu mét khối đất đắp nền. Rõ ràng, thiếu vật liệu đang trở thành rào cản không nhỏ đến tiến độ thi công của các dự án.
Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra tại các dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Cao Lộ - La Sơn. Ông Nguyễn Quang Hải - Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL-03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, gói thầu cần 3,2 triệu mét khối đất đắp, trong khi lượng đất đắp tận dụng được chỉ khoảng 1,2 triệu mét khối. Đến tháng 4/2021, nếu không có nguồn bù vào, việc thi công sẽ bị tắc.
Tại gói thầu XL-02 của dự án này cũng đang thiếu đất đắp nền nghiêm trọng khi phạm vi nhà thầu thi công cần 2 triệu mét khối đất đắp, trong khi khối lượng tận dụng được chỉ đáp ứng được hơn 1 triệu mét khối. Tại dự án Cam Lộ - La Sơn, thống kê Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư), chỉ riêng đoạn đi qua địa bàn Thừa Thiên - Huế cần đến 2,2 triệu mét khối đất đắp, nhưng các mỏ vật liệu trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn thiếu 1 triệu mét khối. Đoạn qua tỉnh Quảng Trị thiếu khoảng 100.000m3 đất đắp cho gói thầu XL-02.
Hiện tượng bất thường?
Trước vướng mắc trên, Bộ GTVT đã lập tức có những chỉ đạo khẩn để tìm ra phương án tháo gỡ. Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm soát tiến độ, chất lượng, kế hoạch giải ngân, giải quyết một số vướng mắc khi triển khai các dự án giao thông, trong đó có những dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Bộ GTVT nhấn mạnh, các chủ đầu tư, Ban QLDA bám sát tình hình thực hiện dự án; thường xuyên làm việc với các địa phương, xây dựng kế hoạch để lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với địa phương về dự án.
Đặc biệt, vấn đề liên quan đến khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, công tác GPMB, công trình hạ tầng kỹ thuật..., các chủ đầu tư, ban QLDA cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Trước đó, nhà thầu tại các dự án đã chủ động làm việc với địa phương tìm kiếm mỏ đất, làm việc và đã được các hộ dân, DN đồng ý cho phép khai thác để tận dụng đất phục vụ thi công gói thầu. Tuy nhiên, để tháo gỡ “nút thắt” này không phải trong một sớm một chiều.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, tình trạng thiếu vật liệu, đặc biệt với đất đắp nền ở các dự án giao thông là điều không hiếm gặp, nhưng nếu hiện tượng này xảy ra trên diện rộng, đồng loạt tại nhiều dự án của cao tốc Bắc - Nam thì rõ ràng có điều gì đó không bình thường. Bởi về nguyên tắc, khi triển khai dự án, nhà thầu đã phải chuẩn bị sẵn các mỏ vật liệu từ trước đó.
“Việc thiếu vật liệu xảy ra trên diện rộng, cùng lúc tại nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam như vậy chứng tỏ công tác chuẩn bị nguyên liệu ban đầu của các nhà thầu cũng như công tác quản lý, cấp phép khai thác mỏ vật liệu của địa phương đang có vấn đề” - PGS. TS Ngô Trí Long nhận định. Có ý kiến nhìn nhận, để xảy ra vấn đề này có thể do thiếu cơ chế về quản lý, đấu giá quyền khai thác mỏ đất. Bởi hoàn thành hạng mục san nền tuyến đường được đánh giá là một trong yếu tố quyết định đến tiến độ của toàn bộ dự án.
Theo thông tin từ đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, thời điểm năm 2019, khi khảo sát, lập dự toán dự án, đất đắp được tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo giá 27.500 đồng/m3. Nhưng đến nay, thông báo giá của địa phương tăng lên 31.500 đồng/m3. Còn thực tế, các chủ mỏ đang bán với giá trên 50.000 đồng/m3.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng địa phương về vấn đề này nhưng chưa xử lý được. Các chủ mỏ tìm cách lách luật bằng việc không công bố giá bán trực tiếp từng mét khối đất đắp như trước đây mà gộp cả chi phí vận chuyển vào để ép đơn vị thi công.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Bộ GTVT cần khẩn trương phối hợp với các địa phương vào cuộc xác minh, làm rõ tại sao lại xảy ra tình trạng thiếu vật liệu đồng loạt tại nhiều dự án. Thậm chí, Bộ GTVT cần xác định rõ liệu đây có phải hiện tượng bất thường, cố ý “găm” vật liệu để “đôn” giá hòng trục lợi bất chính hay không.
"Nếu không sớm làm rõ chân tướng vấn đề sẽ rất khó để tìm ra hướng giải quyết triệt để. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án cao tốc Bắc - Nam." - Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/som-go-vuong-cho-du-an-cao-toc-bac-nam-412616.html