Sớm gỡ vướng mắc trong chính sách hỗ trợ người dân

Sau khi có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, thành phố Hà Nội nhanh chóng cụ thể hóa đưa chủ trương này vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã vấp phải một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND thành phố cho hơn 2,9 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình. Kinh phí hỗ trợ là gần 1.144 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách là hơn 866 tỷ đồng, kinh phí xã hội hóa là gần 278 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách của Chính phủ và HĐND thành phố đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định, một trong các điều kiện để người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 phải đang tham gia bảo hiểm xã hội đến tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Nhưng trên thực tế, tại các địa phương, nhiều lao động chưa ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, hoặc đã tham gia nhưng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể, song những vướng mắc trên đã khiến một bộ phận không nhỏ người lao động không đủ điều kiện để nhận được gói hỗ trợ theo quy định của Chính phủ...

Trong khi đó, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho biết, qua giám sát công tác chi trả hỗ trợ, nhiều địa phương đã gặp phải những khó khăn do đối tượng thụ hưởng đang ở trong khu vực cách ly, khu vực phong tỏa để phòng, chống dịch, trong đó có một số đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND. Thực hiện giãn cách xã hội nên việc quyết toán thuế gặp nhiều khó khăn khiến người dân, doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng được điều kiện để tiếp cận nguồn hỗ trợ theo quy định.

Nói về chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố, ông Bùi Thanh Sơn (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cho hay: “Người dân đi cách ly để phòng, chống dịch, các địa phương đều lập danh sách, nên việc chi trả chính sách hỗ trợ không nhất thiết phải yêu cầu có bản sao quyết định cách ly”.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trước những khó khăn, vướng mắc trên, mới đây, Thường trực HĐND thành phố đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung tháo gỡ, nhất là việc giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, điều kiện tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch.

Thường trực HĐND thành phố cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ về thủ tục hoàn thiện thông báo quyết toán thuế năm 2020 hoặc có thể xem xét cho phép thay điều kiện “Thông báo quyết toán thuế năm 2020” bằng “Thông báo đã tiếp nhận tờ khai thuế của các đơn vị và xác nhận số tiền đã nộp thuế năm 2020 của doanh nghiệp” để tạo điều kiện cho người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chi trả một số chính sách chưa hoặc chậm tổ chức thực hiện; giao các đơn vị đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc chi trả đúng đối tượng, kịp thời, đúng thời điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các đơn vị và người dân trong việc chi trả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, qua đó kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

“Để bảo đảm quyền, lợi ích của các đối tượng, các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục rà soát, không bỏ sót các đối tượng được thụ hưởng, đồng thời có kiến nghị đối với nhóm đối tượng chưa quy định trong chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là công khai, minh bạch, tránh trục lợi trong việc chi trả các chính sách hỗ trợ”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Tuấn Việt - Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1012475/som-go-vuong-mac-trong-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan