Sớm gỡ vướng trong giám định hài cốt liệt sĩ
Hiện cả nước còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa quy tập được và hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập nhưng chưa xác định được danh tính...
“Bố tôi hy sinh tại Mặt trận Tây Nam năm 1979. Suốt bao năm mẹ tôi lặn lội đi tìm hài cốt của chồng, nhưng do thông tin sai lệch nên mẹ đành mang nguyện ước ấy về nơi chín suối. Tiếp bước mẹ, chị em tôi vào Nam, ra Bắc bao lần, tìm đến nhiều cơ quan, tổ chức mới xác định được nơi an táng, quy tập, xin lấy mẫu giám định ADN xác định hài cốt bố tôi. Thế nhưng gần một năm trôi qua, gia đình tôi chưa nhận được kết quả...”.
Đây là nỗi niềm của anh Nguyễn Quốc Hiền, ở xã Minh Tiến (Phù Cừ, Hưng Yên), con của liệt sĩ Nguyễn Đình Luyện, sinh năm 1940, nhập ngũ tháng 1-1961, hy sinh tháng 3-1979.
Trường hợp gặp khó khăn khi giám định ADN hài cốt liệt sĩ (HCLS) như trên không phải là cá biệt. Còn rất nhiều thân nhân liệt sĩ cũng chung hoàn cảnh đó, rồi hàng chục nghìn HCLS khác cũng đang chờ giám định ADN.
Theo quy định tại Điều 147, Điều 148, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thì đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám định HCLS trong 6 tháng phải hoàn thành; các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục không quá 12 ngày làm việc khi có kết quả giám định.
Thế nhưng thời gian qua, các cơ sở giám định ADN vẫn không hoặc chưa thể tiến hành vì chưa có nguồn kinh phí, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chưa xây dựng được định mức kinh tế-kỹ thuật (là căn cứ để ban hành đơn giá) cùng một số quy định liên quan khác. Vì vậy, việc giám định ADN xác định danh tính HCLS do sở lao động-thương binh và xã hội các địa phương gửi về đang bị ngưng trệ. Đây là điều khiến dư luận băn khoăn, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải khẩn trương vào cuộc giải quyết kịp thời, không thể để vì những lý do chủ quan mà chúng ta có thể có lỗi với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Hiện cả nước còn khoảng 200.000 HCLS chưa quy tập được và hơn 300.000 HCLS đã quy tập nhưng chưa xác định được danh tính. Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS đặt mục tiêu tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 HCLS, giám định ADN khoảng 2.000 HCLS trong năm 2024. Đây là những con số "khiêm tốn", vì thế, hơn lúc nào hết càng phải sớm gỡ "điểm nghẽn" trong giám định ADN.
Theo các chuyên gia, chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nếu chậm trễ thì công tác giám định càng khó thực hiện do HCLS bị phân hủy theo thời gian, hoặc có giám định được cũng rất tốn kém về kinh phí, công sức. Ngoài ngân sách nhà nước, cần có cơ chế, giải pháp huy động nguồn lực xã hội, tăng cường đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định HCLS.
Cả nước đang có nhiều hoạt động tri ân thiết thực nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Mong rằng, những khó khăn trong công tác giám định HCLS sẽ được các cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh nhất có thể, đó vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của chúng ta hôm nay với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/som-go-vuong-trong-giam-dinh-hai-cot-liet-si-785831