Sớm hiện thực hóa chủ trương của Trung ương

Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, Nghị quyết 18-NQ/TƯ của Trung ương yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang là rất đúng và trúng. Cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng để sớm đưa chủ trương này vào cuộc sống.

ÔngNguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội: Chủ trương đúng, cần có lộ trình thực hiện cụ thể

Như chúng ta biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII vừa ban hành Nghị quyết số 18 - NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trung ương yêu cầu phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Trong đó, quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng đắn. Không thể để một người sở hữu nhiều nhà, đất mà không đưa vào khai thác, chỉ chờ giá tăng để bán, vừa ảnh hưởng đến nền kinh tế vừa tạo ra sự không công bằng. Hiện nay, tình trạng đất đai bỏ hoang rất nhiều, hoặc người sở hữu nhiều nhà nhưng không khai thác cũng vô cùng lãng phí.

Để hiện thực hóa chủ trương này cần có lộ trình và bước đi rõ ràng. Trước hết, phải tuyên truyền để người dân thấu hiểu và chia sẻ cùng Nhà nước, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất để khai thác đất đai có hiệu quả. Đây là vấn đề rất quan trọng! Nên nhớ, đất đai là tài sản khác biệt so với các tài sản khác, nếu có định hướng tốt thì hiệu quả đất đai sẽ rất lớn.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế: Rất nhiều việc phải làm

Các nước phát triển đã đánh thuế tài sản, nhà ở từ rất lâu, nhưng ở nước ta thì chưa áp dụng. Vì vậy, nhiều người cứ mua đất để đó, họ sở hữu rất nhiều đất đai nhưng không khai thác mà chỉ chờ tăng giá để bán. Có thể nói, chính sách thuế hiện nay vô tình gây nên tình trạng đầu cơ đất đai, nền kinh tế không có lợi.

Tại Nghị quyết số 18 - NQ/TƯ vừa ban hành, Trung ương yêu cầu áp thuế cao hơn với các đối tượng sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang. Nếu chủ trương này được hiện thực hóa sẽ có tác động cơ cấu lại thị trường bất động sản theo hướng bền vững, đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, giảm lãng phí; đồng thời, giúp gia tăng nguồn thu cho Nhà nước để có thêm nguồn lực chi cho hoạt động an sinh xã hội.

Vấn đề là phải sớm đưa chủ trương này vào cuộc sống và như vậy, có rất nhiều việc phải làm, phải nghiên cứu như xác định cơ sở thuế, thuế suất, định giá… Theo tôi, cần thông báo rõ, với đất nông nghiệp vẫn giữ mức thuế bình thường để người dân yên tâm phát triển nông nghiệp. Chỉ nên thu thuế đối với đất ở, trong đó phải có diện tích chuẩn, quy định chuẩn về diện tích phải thu. Thuế suất phải khác nhau giữa đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với đô thị vừa như Nha Trang, Đà Nẵng; hay đô thị nhỏ hơn như Sóc Trăng, Trà Vinh... Từ đó mới đề xuất thu một cách rõ ràng, hợp lý.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa: Sớm đưa quan điểm thành kế hoạch hành động

Có thể thấy, trong bất động sản, thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển. Cải cách hành chính trong quản lý đất đai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Công tác đăng ký, thống kê đất đai, đặc biệt là đăng ký biến động đất đai còn nhiều bất cập không theo kịp sự phát triển của xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về tầm quan trọng và ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Nghị quyết số 18 - NQ/TƯ được ban hành với nhiều nội dung quan trọng, trong đó nêu rõ năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Cùng với đó, Trung ương yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất để thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả và tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong thời gian tới.

Vì vậy, cần sớm đưa những tư tưởng, quan điểm, chủ trương đó thành các quy định của pháp luật, thành các chương trình hành động. Đây là nội dung quan trọng, đòi hỏi lãnh đạo các cấp phải có sự vận dụng sáng tạo, đưa ra những giải pháp có tính khả thi và bảo đảm sức sống trong thực tiễn.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/som-hien-thuc-hoa-chu-truong-cua-trung-uong-i292738/