Sớm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch
Mới đây, Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương xây dựng gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động lần 2 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều địa phương phía Nam đang cân nhắc các chính sách, chương trình hỗ trợ cụ thể.
Chị Thanh Kiều, công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn (TPHCM), chỉ dám ăn mì gói trong khi công ty tạm ngưng hoạt động Ảnh: U.P
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH trình lên Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị, gói hỗ trợ lần 2 (hơn 27.000 tỷ đồng) nhằm trợ giúp 14 triệu người lao động (LĐ), hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN). Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người LĐ, hộ kinh doanh và địa phương (để hỗ trợ người LĐ) hơn 2.300 tỷ đồng; hơn 7.000 tỷ đồng cho DN vay ưu đãi để trả lương qua hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay; hơn 18.000 tỷ đồng hỗ trợ từ quỹ BHXH (cả gia hạn đóng và miễn, giảm mức đóng).
Các chính sách hỗ trợ được đề xuất lần này là hướng tới người LĐ trong khu vực chính thức (tức có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội). Trong đó, hỗ trợ 1 lần trực tiếp bằng tiền (1,8 triệu đồng/người) với người LĐ làm việc trong DN, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập phải tạm nghỉ việc, mất việc làm (hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người với LĐ nữ mang thai, nuôi con nhỏ).
TPHCM sẽ hỗ trợ người mất việc
Ngày 28/6, Sở LĐ-TB-XH) TPHCM kiến nghị Thường trực UBND TPHCM giao Sở Tài chính thẩm định, trình thành phố bố trí kinh phí cho TP Thủ Đức và các quận, huyện kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ người LĐ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Sở LĐ-TB-XH, từ số liệu báo cáo của các sở ban ngành, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, đến ngày 28/6, TPHCM cần khoảng 554 tỷ đồng (tăng 92 tỷ đồng so với dự kiến) thực hiện chính sách hỗ trợ cho 3 nhóm người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cụ thể, có 80.000 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (tăng 1.600 người); gần 24.500 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp dự kiến được hỗ trợ (tăng 23.000 người).
Mức hỗ trợ một lần đối với người lao động nói trên là 1,8 triệu đồng/người. Riêng lao động nữ đang mang thai, người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi ở cả hai nhóm trên, gần 21.000 người (tăng 5.000 người), sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.
Bên cạnh đó, TPHCM có khoảng 230.000 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, thời gian tạm tính trong 30 ngày.
Ngay thời điểm một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM có ca mắc COVID-19, Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gần 3 tấn gạo cho công nhân bị cách ly tại chỗ và sống trong khu vực bị phong tỏa. Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM cũng vận động DN ủng hộ dược phẩm, nhu yếu phẩm tổng trị giá gần 1 tỷ đồng gửi tặng công nhân.
Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân Thành Đoàn TPHCM triển khai chương trình “Chuyến xe san sẻ yêu thương” với nhiều hoạt động trợ giúp…
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, các cấp công đoàn thành phố đã chi hỗ trợ cho hơn 2.000 trường hợp đoàn viên, người LĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, các trường hợp người LĐ phải ngừng việc do bị thu hẹp sản xuất, nơi làm việc bị phong tỏa, cách ly; người lao động nghỉ việc, mất việc mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người có người thân cùng phải cách ly y tế tại nhà hoặc một người là F0, F1 được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/trường hợp.
Bình Dương trợ giúp công nhân bị cách ly, phong tỏa
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết, khoảng 6.000 công nhân trong tỉnh bị đưa đi cách ly hoặc nằm trong khu vực bị phong tỏa. Công đoàn đã hỗ trợ công nhân gần 500 triệu đồng. Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, cho biết, Sở đã đề xuất UBND tỉnh chính sách hỗ trợ người LĐ làm việc theo hợp đồng, gặp khó khăn do phải cách ly y tế. Theo đó, người LĐ sẽ được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/người.