Sớm hỗ trợ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm nông nghiệp

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, ngày 11-3-2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tỉnh đang thực hiện hỗ trợ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm nông sản, bảo đảm nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.

Theo đó, năm 2019, tỉnh sẽ hỗ trợ tiêu chuẩn hóa 74 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với tổng kinh phí thực hiện trên 32,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên 18,3 tỷ đồng, chiếm 55,8%; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất trên 14,5 tỷ đồng, chiếm 44,2%. Nhiều nội dung được hỗ trợ như xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ lãi suất tiền vay; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ nâng cấp trang thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm... Tiếp đó, ngày 6-5-2019, UBND tỉnh có Quyết định số 132/QĐ-UBND về việc phân bổ chi tiết nguồn vốn sự nghiệp chưa phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố thực hiện thông tin, tuyên truyền; tập huấn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất tiêu chuẩn hóa các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có sản phẩm nào được hỗ trợ.

Các sản phẩm nông nghiệp được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa giới thiệu tại Hội nghịcủa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi tháng 10 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Quy, chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, ngay khi UBND tỉnh có kế hoạch, căn cứ kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của UBND các huyện, thành phố và Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh, ngày 17-5-2019, sở đã có tờ trình gửi Sở Tài chính thẩm định kinh phí để hỗ trợ 38 sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, ngày 23-7-2019, Sở Tài chính đã có văn bản trả lời: Nguồn sự nghiệp ngân sách của tỉnh tại thời điểm hiện nay rất hạn hẹp, trong khi đó phải cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện mục tiêu, chương trình, nhiệm vụ quan trọng có tính cấp bách như phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; hỗ trợ phòng chống lụt bão phát sinh tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương... Vì lý do trên nên việc thực hiện hỗ trợ tiêu chuẩn hóa đối với các sản phẩm nông nghiệp nằm trong kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP vẫn chưa được thực hiện. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc chưa có đơn vị nào hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP đồng nghĩa với việc tỉnh ta chưa có sản phẩm nào “có sao, có hạng” dù rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đã khẳng định được vị trí trên thị trường.

Trong khi chờ kinh phí được phân bổ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã lồng ghép với các chương trình, dự án tổ chức tập huấn kiến thức về sản phẩm OCOP và học tập kinh nghiệm tại các tỉnh đã có những thành công về làm OCOP. Đặc biệt, ngành đã phối hợp với các huyện, thành phố giúp đỡ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác hoàn thiện hồ sơ, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dán tem truy xuất đối với một số sản phảm như: Chè Shan tuyết Hồng Thái; bún khô Đà Vị (Na Hang); dê núi Thổ Bình (Lâm Bình); na dai Lực Hành, cam đường Phúc Ninh (Yên Sơn); bưởi Thái Long (thành phố Tuyên Quang)...

Anh Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà (Na Hang) cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, chất lượng của chè Shan tuyết của HTX đã được rất nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Anh Phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của ngành Nông nghiệp tỉnh để HTX cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đầu tư chăm sóc, phát triển vùng nguyên liệu chè Shan phục vụ công nghiệp chế biến, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc vùng cao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, đơn vị tiếp tục tham mưu với Sở để làm việc với Sở Tài chính tìm nguồn kinh phí sớm hỗ trợ cho các địa phương theo đúng quy định của tỉnh. Tuy nhiên, để Chương trình OCOP mang lại hiệu quả bền vững, chủ thể các sản phẩm không nên quá trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải chủ động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cần thiết, ngành sẽ đồng hành hỗ trợ trong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác cần mạnh hơn tìm kiếm đối tác, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/som-ho-tro-tieu-chuan-hoa-cac-san-pham-nong-nghiep-127579.html