Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về tài chính số

Các công ty công nghệ tài chính (Fintech) ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực; chi phí đầu tư, vận hành lớn; quy định pháp lý chưa rõ ràng, đồng bộ; công tác bảo mật thông tin khách hàng còn nhiều bất cập.

Ngày 21-4, tại Hà Nội, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp cùng Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức buổi tọa đàm “Tương lai Tài chính số Việt Nam”.

Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: T.B

Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: T.B

Tại đây, nhận định về thực trạng nền kinh tế - tài chính số hiện nay, ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, công nghệ tài chính phát triển rất mạnh nhưng chưa quốc gia nào khẳng định hệ thống pháp lý hoàn thiện, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Dương Quốc Anh, hiện nay, các ngân hàng đang dựa vào sự tiến bộ của công nghệ tài chính để số hóa quy trình nghiệp vụ. Hướng phát triển lớn thứ hai là các Fintech (công nghệ tài chính) và tập đoàn công nghệ lớn tham gia phối hợp với các ngân hàng cũng như các tổ chức đang hoạt động trên thị trường tài chính, đồng thời cạnh tranh với chính các ngân hàng truyền thống. Hướng phát triển lớn thứ ba là thành lập các ngân hàng số.

Tại Việt Nam, ông Dương Quốc Anh cho rằng sự phát triển của Fintech dù rất nhanh nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho cả Fintech và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các Fintech đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực; chi phí đầu tư, vận hành lớn; quy định pháp lý chưa rõ ràng, đồng bộ; công tác bảo mật thông tin khách hàng còn nhiều bất cập.

Ông Dương Quốc Anh phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: T.B

Ông Dương Quốc Anh phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: T.B

Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, các hiệp định thương mại thế hệ mới gần đây có sự khác biệt rất lớn đối với các hiệp định thương mại trước đây, trong đó có nhiều tác động đến hệ sinh thái tài chính số. Theo TS Lê Duy Bình, sẽ có một loạt tác động lớn.

Thứ nhất, trên cơ sở các hiệp định thương mại thế hệ mới, các doanh nghiệp FDI sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tài chính số, ngân hàng số.

Thứ hai, thúc đẩy quá trình số hóa doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua cơ chế thầu phụ cho các doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, hiệp định thương mại thế hệ mới yêu cầu rất cao về môi trường, quản trị, xã hội, từ đó đẩy mạnh tiến trình số hóa hoạt động sản xuất, thanh toán, huy động vốn, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện.

Thứ tư, thúc đẩy giao dịch trực tiếp (P2P) giữa người mua ở nước ngoài và người bán ở Việt Nam và thanh toán xuyên biên giới.

Thứ năm, hiệp định thương mại thế hệ mới có những điều khoản chặt chẽ hơn về tài sản trí tuệ, bảo vệ thông tin cá nhân, từ đó tác động đến chính sách tại Việt Nam.

Thứ sáu, thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo toàn bộ giao dịch được thực hiện trên môi trường số.

Thứ bảy, thúc đẩy cải cách về môi trường kinh doanh, môi trường pháp luật, chính sách tài chính số, ngân hàng số tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo đánh giá của TS Lê Duy Bình, hiện nay, tại việc hoàn thiện pháp lý tại Việt Nam quá chậm chạp, còn nhiều khoảng trống pháp lý, chẳng hạn chưa có các quy định về ngân hàng số.

TS Lê Duy Bình phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: T.B

TS Lê Duy Bình phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: T.B

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) nhận định, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số tại Việt Nam đang rất chậm và rất phân mảnh. Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, các doanh nghiệp nên đi vào thị trường ngách thay vì tập trung vào các thị trường lớn, cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn tại nước ngoài.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính số, ông Tuấn Nguyễn, chuyên gia công nghệ và truyền thông, hiện là Chủ tịch của eCap Holding cho biết, tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành tài chính số còn rất lớn. Trong đó, Fintech rất năng động, có sẵn nguồn lực công nghệ để cung ứng ngay cho thị trường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, pháp lý về tài chính số vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, ông Tuấn Nguyễn đề xuất nên có ban hỗ trợ pháp lý cho các Fintech, bởi các Fintech không muốn làm sai, nhưng nhiều khi không biết làm thế nào cho đúng.

TS Lê Minh Nghĩa, Phó Chủ tịch VFCA (bên trái) và Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính -VietnamFinance Hoàng Anh Minh chủ trì cuộc tọa đàm. Ảnh: T.B

TS Lê Minh Nghĩa, Phó Chủ tịch VFCA (bên trái) và Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính -VietnamFinance Hoàng Anh Minh chủ trì cuộc tọa đàm. Ảnh: T.B

Ở góc độ quản lý, TS Lê Minh Nghĩa, Phó Chủ tịch VFCA khẳng định, VFCA có trách nhiệm đóng góp vào quá trình phát triển của kinh tế, tài chính số tại Việt Nam.

Về quá trình phát triển của kinh tế, tài chính số hiện nay, TS Lê Minh Nghĩa cho rằng, vấn đề khó hiện nay là khoảng cách giữa hoạch định và triển khai chính sách vẫn còn khoảng cách. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dùng để tiếp tục phát triển các chính sách phù hợp, sát với thực tế và có tính khả thi cao.

Về giải pháp cho vấn đề phát triển kinh tế, tài chính số tại Việt Nam, TS Lê Minh Nghĩa đề xuất cần phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

TRẦN BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/som-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-ve-tai-chinh-so-post686637.html