Sớm hoàn thiện hệ thống y tế

Những ngày qua, các bệnh viện nhi tại TP HCM quá tải do trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp. Ngành y tế đang khẩn trương ứng phó vì số trẻ ở TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam nhập viện tăng từng ngày.

Thực ra, tình trạng bệnh nhi tăng cao vào thời điểm này đã được ngành y tế tiên liệu. Các bác sĩ đầu ngành đã chỉ rõ đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường nên các bệnh về hô hấp sẽ gia tăng, nhất là với trẻ em. Việc này diễn ra trên cả nước và ngành y tế các địa phương cũng đang nỗ lực giải quyết.

Trong bối cảnh hệ thống y tế có lúc, có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh thì những cảnh báo về dịch bệnh, nhất là các bệnh đối với trẻ em, luôn nhạy cảm với xã hội. Nhiều người lo lắng, không ít ý kiến vội than phiền về hệ thống y tế là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận rằng những cảnh báo ấy chính là nhằm nhắc nhở người dân cẩn trọng hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn để phòng ngừa, xử trí khi con em mình mắc bệnh. Qua việc cảnh báo về dịch bệnh, ngành y tế đặt sự khởi động các cơ chế ứng phó cho cả hệ thống, nhất là hướng dẫn các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa... Những cảnh báo ấy là một khâu trong sự vận hành của ngành y tế, cho thấy cả hệ thống đang trong tư thế sẵn sàng, vì vậy chúng ta cần an tâm hơn là lo lắng.

Nhìn lại những bệnh mà trẻ em thường phải đối diện hằng năm, chúng ta thấy mọi công tác ứng phó vẫn đang trôi chảy. Tháng trước, dịch bệnh sốt xuất huyết được cảnh báo; xa hơn nữa là bệnh tay chân miệng, thủy đậu, sởi, cúm… Các bệnh này đều tăng trong khoảng thời gian nhất định và gây lo lắng cho người dân nhưng mọi việc đã được ngành y tế cố gắng xử trí ổn thỏa.

Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận hệ thống y tế hiện nay còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Đối với TP HCM - địa phương có hệ thống y tế thuộc diện hiện đại nhất nước, tỉ lệ bác sĩ chỉ đạt 1,3/1.000 dân (bình quân cả nước là 0,8/1.000 dân). TP HCM cũng là nơi có dân số cao nhất nước nên hệ thống y tế, cả công lẫn tư, luôn gặp áp lực.

Vả lại, hệ thống y tế TP HCM không chỉ phục vụ riêng địa phương mà còn phải "gồng gánh" cho nhiều tỉnh, thành phía Nam, nhất là chuyên khoa sâu hoặc khi dịch bệnh xảy ra. Nhân lực, vật lực, điều hành... luôn căng thẳng trong tư thế thường xuyên ứng phó, quá tải.

Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nhưng không dễ cải thiện. Để phát huy được hiệu quả tốt nhất, hệ thống y tế cần phải phát triển toàn diện. Trước hết, y tế cơ sở cần bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, điều trị ngoại trú. Kế đến, y tế tuyến quận - huyện, khu vực và các bệnh viện điều trị nội trú đảm nhận những bệnh thông thường, kỹ thuật chuyên khoa cơ bản hoặc nâng cao. Cuối cùng, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa thực hiện những kỹ thuật chuyên sâu... Một khâu không tốt sẽ dồn đến khâu kế tiếp và gây quá tải cho bệnh viện tuyến cuối.

TP HCM đang tăng tốc hoàn thiện hệ thống y tế hiện đại. Để mục tiêu này sớm hoàn thành thì các địa phương trong khu vực cũng phải phát triển hệ thống y tế đồng bộ. Lúc đó, ngành y tế mới có thể nghĩ đến việc hoàn thiện hệ thống y tế vùng để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe người dân theo từng vùng phát triển kinh tế.

HỒ HIẾU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/som-hoan-thien-he-thong-y-te-20231126205406318.htm