Sớm hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu 'Gạo Kỳ Anh'
Nhãn hiệu 'Gạo Kỳ Anh' góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của hai địa phương: huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Chiều 12/8, UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với Sở KH&CN Hà Tĩnh, UBND thị xã Kỳ Anh và Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và sở hữu trí tuệ CIPTEX tổ chức hội thảo lấy ý kiến bổ sung hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Kỳ Anh”.
Huyện Kỳ Anh là địa phương có diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 10.000 ha, đứng thứ 5 toàn tỉnh. Sản xuất lúa gạo là hoạt động kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu và định hướng phát triển của huyện. Năng suất và chất lượng lúa gạo huyện Kỳ Anh đang tăng dần về số lượng và chất lượng qua mỗi năm.
Ngoài ra, huyện Kỳ Anh còn là nơi tập trung sản xuất nhiều giống lúa chất lượng cao, cho năng suất vượt trội, chất lượng gạo tốt, giá thành cao hơn các loại giống khác. Đặc biệt, từ năm 2017, huyện Kỳ Anh là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong thực hiện phong trào phá bờ vùng, bờ thửa, xây dựng cánh đồng lớn theo hướng “một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác”, tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng nhất, số lượng lớn. Từ đó tạo tiền đề cho doanh nghiệp liên kết các khâu trong quá trình sản xuất và hướng tới tích tụ ruộng đất, phù hợp với xu thế phát triển hàng hóa chung của xã hội.
Hiện nay, cơ cấu giống lúa tại Kỳ Anh khá đa dạng và được phân thành 2 nhóm chính. Nhóm lúa chất lượng cao với những đặc điểm nhận dạng như: hạt gạo nhỏ, dài, cơm dẻo, thơm, mềm dùng để phục vụ cho nhu cầu lương thực hằng ngày của bà con địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhóm lúa chất lượng trung bình với những đặc điểm nhận dạng: kích thước hạt gạo to, tròn, cơm khô và hơi cứng phục vụ cho những mục đích khác nhau như chế biến hàng hóa (xay thành bột phục vụ nhu cầu chế biến), chủ yếu xuất bán cho các cơ sở thu mua ở Hà Nội và sau đó được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan,…
Tại hội thảo, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và sở hữu trí tuệ CIPTEX đã báo cáo tổng quan các phương án đề xuất để lấy ý kiến thống nhất hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Kỳ Anh” như: nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gạo của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh; tiêu chí chứng nhận và phương pháp chứng nhận về nguồn gốc của sản phẩm mang tính nhãn hiệu chứng nhận; tiêu chí chứng nhận và phương pháp chứng nhận chất lượng; bản đồ khu vực địa lý vùng sản xuất sản xuất,...
Cùng với đó, các đại biểu tham dự đã trao đổi, góp ý từng nội dung, đặc biệt mẫu logo, bản đồ khu vực địa lý vùng sản xuất, hướng phát triển bền vững thương hiệu “Gạo Kỳ Anh”,...
Tại hội thảo, các đơn vị liên quan cũng đã tiếp thu ý kiến của đại biểu để sớm hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Kỳ Anh” gửi về Sở KH&CN để trình UBND tỉnh.