Sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật TTTM

Chủ tịch Hội Luật gia đề nghị các đại biểu nghiêm túc, cho ý kiến để sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTTM.

Sáng 20/4, tại Trụ sở Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban biên tập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương Mại (TTTM).

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền chủ trì phiên họp.

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Trưởng ban biên tập xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương Mại, cho biết, Luật TTTM kể từ khi được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực ngày 1/1/2011, sau hơn 10 năm thi hành, Luật TTTM đã tồn tại một số bất cập cần được tháo gỡ.

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, từ đây đến trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tháng 10/2023 còn rất nhiều nội dung cần tổ chức thực hiện theo Kế hoạch đã đề ra để sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTTM.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc.

Báo cáo về đề cương các tài liệu, nêu rõ những vấn đề cần thảo luận, xin ý kiến, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV Trần Công Phàn nêu rõ, Ban biên tập xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTTM được thành lập tháng 2/2023, hiện nay chúng ta đang ở bước xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng luật để trình UBTVQH, trình Quốc hội cho ý kiến đưa vào chương trình xây dựng luật.

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc sửa đổi Luật TTTM, ông Trần Công Phàn nói: “Việc sửa đổi luật này rất cần thiết nhằm khơi thông những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình tranh chấp thương mại”.

Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, ngày 5/11/2021 của UBTVQH về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Hội Luật gia Việt Nam đã xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại trình UBTVQH.

Theo đó, báo cáo rà soát của Hội Luật gia Việt Nam đã đề xuất Luật Trọng tài thương mại cần được sửa đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV Trần Công Phàn cho rằng việc sửa đổi Luật TTTM là rất cần thiết.

Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV Trần Công Phàn cho rằng việc sửa đổi Luật TTTM là rất cần thiết.

Do vậy, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Hội Luật gia Việt Nam triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.

Tại phiên họp, ông Trần Công Phàn cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến, Trưởng ban biên tập phân công nhiệm vụ xây dựng các dự thảo cho kịp tiến độ gồm: Tờ trình đề nghị xây dựng luật; báo cáo đánh giá tác động của chính sách;

Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng luật; Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức khác; bản chụp ý kiến góp ý và dự kiến đề cương chi tiết dự thảo luật…

Tại cuộc họp, đa số các đại biểu thống nhất với sự phân công nhiệm vụ của đồng chí Trưởng Ban biên tập cho các thành viên ban biên tập, đồng thời các đại biểu cũng nhấn mạnh cần tăng tốc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức các phiên họp, tọa đàm lấy ý kiến Ban biên tập và chuyên gia; tổ chức các hội thảo góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng luật trước khi trình các cơ quan có liên quan.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/som-hoan-thien-ho-so-de-nghi-xay-dung-luat-sua-doi-bo-sung-a603998.html