Sớm khắc phục những ảnh hưởng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên

Khoảng 10 ngày nay, một số dịch vụ, kỹ thuật tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên đã bị tạm dừng, điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình điều trị của người bệnh. Vậy đâu là nguyên nhân và các giải pháp đã được triển khai tại đây như thế nào?

Ngoài một số dịch vụ, kỹ thuật đang bị tạm dừng, các phương pháp điều trị khác vẫn đang được Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên triển khai bình thường.

Ngoài một số dịch vụ, kỹ thuật đang bị tạm dừng, các phương pháp điều trị khác vẫn đang được Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên triển khai bình thường.

Theo phản ánh của người bệnh, thời gian gần đây, các dịch vụ, kỹ thuật tại Bệnh viện, gồm: đắp nến, tiêm trĩ, thuốc sắc đã bị tạm dừng. Đại diện lãnh đạo Bệnh viện cho biết: Việc Cơ quan Điều tra Bộ Công an quyết định điều tra vụ án có liên quan đến một số công ty là đối tác của Bệnh viện trong việc cung cấp dược liệu và vị thuốc đã khiến hoạt động cung cấp một số dịch vụ, kỹ thuật tại Bệnh viện bị gián đoạn. Trước thực trạng này, Bệnh viện đang cùng các công ty tập trung giải quyết.

Đồng thời, Bệnh viện cũng đã và đang sử dụng các chế phẩm y học cổ truyền được phép theo quy định để chữa trị cho người bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh viện đã báo cáo với Sở Y tế để tập trung đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian sớm nhất. Sở Y tế phân công một đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách Bệnh viện ngay sau khi Giám đốc Bệnh viện bị tạm giam.

Bà Dương Thị Bình, xóm Đầm Thị, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện, chia sẻ: Tôi bị thoái hóa gây chèn ép dây thần kinh khiến lưng đau và tê bì chân tay. Đây là đợt điều trị thứ 2 của tôi. Ở lần điều trị trước và trong tuần đầu của đợt điều trị này, tôi vẫn được đắp nến và uống thuốc sắc, sang tuần điều trị thứ 2, tôi và nhiều bệnh nhân khác đã bị cắt. Các dịch vụ, kỹ thuật khác như: chiếu đèn, laser, điện xung, châm cứu... thì vẫn được thực hiện bình thường. Khi đến đây, chúng tôi đều mong muốn được thực hiện hết các kỹ thuật, dịch vụ cần thiết để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

Còn chị N.N.T., TP. Thái Nguyên, nói: Tôi đang điều trị bệnh trĩ tại Bệnh viện. Tôi đã tiêm được 3 mũi. Theo lịch hẹn, lẽ ra tôi đã được tiêm mũi 4 và mũi 5 vào cuối tuần trước và đầu tuần này. Tuy nhiên, sau đó Bệnh viện thông báo hết thuốc nên việc điều trị của tôi phải tạm dừng, đến lúc nào có thuốc sẽ tiêm trở lại. Tôi không rõ sẽ phải chờ bao lâu. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như kết quả điều trị của tôi.

Cũng theo bà Bình, chị T. và nhiều bệnh nhân khác, ngoài việc tạm dừng một số kỹ thuật, dịch vụ nêu trên, các dịch vụ, kỹ thuật khác vẫn được Bệnh viện thực hiện bình thường; thái độ khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh của các y, bác sĩ rất chu đáo. Mọi người bệnh đều mong muốn hoạt động của Bệnh viện sớm trở lại bình thường.

Tiêm trĩ là một trong những dịch vụ, kỹ thuật đã và đang bị tạm dừng thực hiện tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên.

Tiêm trĩ là một trong những dịch vụ, kỹ thuật đã và đang bị tạm dừng thực hiện tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên.

Thực tế cho thấy, ở bất cứ cơ quan, đơn vị nào, khi người đứng đầu xảy ra những biến cố liên quan đến pháp luật đều sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động. Tuy nhiên, đối với các cơ sở y tế, bên cạnh những ảnh hưởng về hoạt động chung, thì đối tượng chịu tác động trực tiếp và nhiều hơn cả là người bệnh.

Do đó, các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền cũng như người bệnh đều mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay, để ổn định tâm lý cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến quyền lợi được điều trị của bệnh nhân.

Bệnh viện Y học cổ truyền hiện là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh, với 430 giường bệnh thực kê. Bệnh viện hiện có gần 200 viên chức, người lao động (trong đó trên 50% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên), với 14 khoa, phòng chức năng. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện điều trị cho trên dưới 400 bệnh nhân.

Trong những năm qua, Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như thái độ phục vụ người bệnh. Cùng với việc chủ động cử bác sĩ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, Bệnh viện còn tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để phát triển kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu.

Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị như: điều trị bằng oxy cao áp lâm sàng; tán sỏi ngoài cơ thể, điều trị sắc tố da bằng máy laser; xông thuốc y học cổ truyền, thủy trị liệu; điều trị bệnh lý hậu môn trực tràng, điều trị trĩ bằng tiêm PG60... Bệnh viện cũng đã bào chế, sản xuất được các sản phẩm thuốc từ dược liệu với tổng số 29 loại thành phẩm, phục vụ tốt công tác điều trị.

V.B

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202408/som-khac-phuc-nhung-anh-huong-tai-benh-vien-y-hoc-co-truyen-thai-nguyen-e312211/