IVF là lĩnh vực phát triển bậc nhất trong ngành y tế Việt Nam với kỹ thuật tiên tiến thế giới

'IVF là lĩnh vực phát triển bậc nhất trong ngành y tế Việt Nam. Thế giới có kỹ thuật IVF gì thì Việt Nam đều có kỹ thuật đó, từ IVF cổ điển đến IVF ICSI chúng ta đều làm được'.

Đây là nhận định của Ths.BS Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tại một sự kiện liên quan đến giải pháp IVF diễn ra tại TPHCM vào ngày 10/9.

Theo Ths.BS Đinh Anh Tuấn, ngành y tế Việt Nam trong thời gian qua phát triển mạnh, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Nhiều khách hàng ở các nước lân cận đã sang Việt Nam để khám chữa bệnh. Trước đây một số bệnh nhân nặng trong nước phải đi nước ngoài điều trị thì bây giờ các bệnh viện trong nước đã điều trị hiệu quả.

Sự phát triển này có những sự đóng góp lớn của y tế tư nhân thực hiện xã hội hóa y tế, khơi dậy được tiềm năng, tiềm lực trong ngành y tế.

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em Đinh Anh Tuấn chia sẻ về IVF. Ảnh: Xuân Dự

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em Đinh Anh Tuấn chia sẻ về IVF. Ảnh: Xuân Dự

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em Đinh Anh Tuấn cho biết: "Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là lĩnh vực y tế kỹ thuật cao ở mức độ tế bào và phân tử.

Ở Việt Nam, từ khi thực hiện xã hội hóa công tác y tế đến nay thì IVF là lĩnh vực phát triển bậc nhất trong ngành y tế Việt Nam. Thế giới có kỹ thuật IVF gì thì Việt Nam đều có kỹ thuật đó, từ IVF cổ điển đến công nghệ ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng -PV) chúng ta đều làm được, đến nay hơn 90% là sử dụng công nghệ ICSI. Tất cả các kỹ thuật khác chúng ta đều có, như nuôi cấy tinh tử, trưởng thành noãn non, giải quyết các ca khó như lạc nội mạc tử cung, đồng thời ứng dụng AI để theo dõi sự phát triển của phôi".

Ông Đinh Anh Tuấn chia sẻ, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, vô sinh là trường hợp một cặp vợ chồng chung sống có quan hệ thường xuyên mà sau một năm vẫn không có thai, tuy nhiên khái niệm này cũng mang tính chất tương đối.

Cũng theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình vô sinh ở Việt Nam khoảng 7,9% tổng số cặp vợ chồng.

"Đến thời điểm này có khoảng gần 200.000 em bé ra đời bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang đến niềm vui vỡ òa của các gia đình, các cặp vợ chồng, những người đã trải qua hành trình tìm con vô cùng vất vả. Công tác hỗ trợ sinh sản mang đến hiệu quả lợi ích xã hội vô cùng lớn, không thể đong đếm được", ông Đinh Anh Tuấn nói.

Cũng theo nhận định của Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, IVF đóng góp lớn cho công tác hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam, mang lại niềm hạnh phúc cho các gia đình, đóng góp cho việc cân bằng mức sinh, đảm bảo mức sinh thay thế ở các vùng có mức sinh thấp như TPHCM, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa còn góp phần nâng cao chất lượng dân số thông qua những kỹ thuật cao, đáp ứng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Và cũng cần quan tâm đến vấn đề chăm sóc trẻ em, vì khi IVF nhiều thì đa thai cũng nhiều lên, tỷ lệ sinh non, tỷ lệ nhẹ cân non tháng cũng tăng.

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em trao đổi các vấn đề về IVF. Ảnh: Xuân Dự

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em trao đổi các vấn đề về IVF. Ảnh: Xuân Dự

Chia sẻ về vấn đề sinh non, một chuyên gia y tế trong lĩnh vực nhi và sơ sinh cho rằng, tỷ lệ sinh non của em bé IVF có thể gấp 2 đến 4 lần tỷ lệ người thụ tinh một cách tự nhiên. Nếu tỷ lệ sinh non ở Việt Nam hiện nay khoảng 10% thì những phụ nữ mang thai IVF có tỷ lệ sinh non có thể 20% đến 40%. Bên cạnh đó còn có rủi ro về tỷ lệ đa thai. Theo thống kê chung của thế giới, tỷ lệ đa thai khoảng 30%.

Đa thai khiến nguy cơ sinh non tăng lên, từ đó những em bé con của mẹ IVF sinh đa thai hoặc nguy cơ sinh non có những rủi ro trong quá trình mang thai cũng như lúc sinh em bé. Vì vậy ngay từ ban đầu, bệnh viện cần chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất, các vấn đề về chuyên môn để đảm bảo an toàn cho con của mẹ IVF.

Xuân Dự

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ivf-la-linh-vuc-phat-trien-bac-nhat-trong-nganh-y-te-viet-nam-voi-ky-thuat-tien-tien-the-gioi-169240910141152953.htm