Sớm kiểm soát chặt vay tiêu dùng ''biến tướng''
Cho vay tiêu dùng, vay mua trả góp hàng hóa lâu nay vốn dĩ không phải là một 'đặc quyền' riêng của các ngân hàng thương mại. Trên thực tế, hoạt động cho vay tiêu dùng muôn hình vạn trạng, phong phú hình thức là do các công ty tài chính tạo nên.
Về nguyên tắc, công ty tài chính được phép hoạt động chính danh theo các quy định và hoạt động theo các quy định pháp lý đặc thù. Tuy nhiên, “kinh doanh tiền” là lĩnh vực phát sinh lợi nhuận hấp dẫn nên vài năm gần đây, cùng với hàng chục công ty tài chính được cấp phép thành lập và hoạt động, tính cạnh tranh bị đẩy lên cao thì nhiều hành vi chào mời, cho vay, thu phí, nhắc nợ, đòi nợ... “biến tướng” thành nhiều hành vi mà pháp luật khó kiểm soát.
Về khái niệm, công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Tổ chức này có chức năng sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật. Luật cũng nêu rõ, công ty tài chính không được làm các dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới 1 năm.
Vậy nên để có lãi, vay tiêu dùng là mảng mà các công ty tài chính nhắm đến, và thực tế, các điều khoản để giải ngân của các công ty tài chính luôn dễ dãi hơn ngân hàng. Các công ty tài chính cũng rất “chịu khó” len lỏi về các thị trấn, thị tứ, vùng nông thôn và liên kết với các đơn vị, cửa hàng bán hàng tiêu dùng để tham gia cho vay trả góp.
Không thể phủ nhận, hoạt động của công ty tài chính cũng đem lại một số thuận lợi nhất định cho người dân trong tiếp cận các khoản vay tiêu dùng, mua sắm. Song từ thực tế phát sinh suốt thời gian qua, có thể thấy loại hình này cần được kiểm soát chặt chẽ hơn về hoạt động.
Một số vấn đề phát sinh từ sự “biến tướng” của hoạt động cho vay tiêu dùng, vay trả góp của các công ty tài chính có thể kể đến như: lãi suất bị đẩy lên quá cao so với lãi suất vay tiêu dùng phổ biến, thu thêm nhiều loại phí bất hợp lý, nhắc nợ, “khủng bố” đòi nợ dưới nhiều hình thức…
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua liên tục có các văn bản, thông tư siết chặt hơn hoạt động của các công ty tài chính, một phần do sự tăng trưởng quá “nóng” của nhóm công ty này. Nhiều quy định cho vay tiền mặt bị nhiều công ty tài chính “lờ” đi, thậm chí có công ty cho vay đến 90% tổng số vốn huy động được, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu, thậm chí vỡ nợ, gây ảnh hưởng chung đến thị trường tín dụng.
Trong đó, Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là thông tư mới nhất. Mục đích của chủ yếu hướng đến giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ cho vay xuống mức 30%. Đồng thời, lộ trình giảm được kéo dài trong khoảng thời gian 4 năm từ 70% trong năm 2021 xuống còn 30% vào năm 2024. Ngân hàng Nhà nước cũng quy định chặt chẽ hơn về hoạt động nhắc nợ, kiểm soát nợ xấu, quy định về kiểm soát mục đích vay… Hy vọng rằng, thông tư đã có, nhưng các hoạt động thanh tra, chế tài cũng cần được thực hiện thường xuyên, hiệu quả để dần dần minh bạch hóa thị trường đặc biệt này.