Sớm lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật, việc triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết để đảm bảo hệ thống cảng biển Việt Nam được phát triển.
Hệ thống cảng biển Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển. Ảnh minh họa
Hệ thống cảng biển 10 năm phát triển vẫn còn bất cập
Mới đây, Bộ GTVT tổ chức hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 và duyệt điều chỉnh tại quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Bộ GTVT đã lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết 6 nhóm cảng biển và một số cảng biển trọng điểm, ưu tiên.
Theo Bộ GTVT, trong thời gian qua, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, tạo động lực phát triển các khu kinh tế, công nghiệp - đô thị ven biển, đảm bảo tốt việc thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa bằng đường biển giữa các vùng miền trong cả nước.
Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó, đã hình thành các khu bến tổng hợp, container, chuyên dùng hiện đại và Cảng cửa ngõ quốc tế thuộc mạng lưới vận tải hàng hải quốc tế tại hai đầu đất nước, đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trong năm 2000, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam chỉ đạt gần 82 triệu tấn, đến năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng, đạt hơn 680 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2019). Để có kết quả này, trong giai đoạn vừa qua, hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển đã được chú trọng phát triển.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến hết năm 2019, cả nước có 588 cầu cảng, gấp 4 lần năm 2000. Tổng lượng hàng hóa thông qua đạt 664,6 triệu tấn (gấp 8 lần năm 2000).
Đồng thời, hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam tiếp nhận tàu container đến 132.000 tấn tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng) và 214.000 tấn tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn, hàng lỏng đến 150.000 tấn, dầu thô đến 320.000 tấn cơ bản đã đạt được các mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2020.
Về tuyến vận tải đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển. Trong đó, 25 tuyến vận tải quốc tế và 07 tuyến vận tải nội địa.
Ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore).
Có thể thấy rằng sau 20 năm quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt.
Việc sớm lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển. Ảnh minh họa
Mặc dù vậy, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch vẫn tồn tại một số bất cập như: chưa đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với quy hoạch xây dựng của địa phương và các ngành công nghiệp khác; so với thời điểm xây dựng quy hoạch, đến nay kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa và đường sắt) đã có nhiều thay đổi.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phố, khu du lịch, đô thị ven biển gây tình trạng ùn ứ trong hoạt động vận tải hàng hóa kết nối đến một số khu bến cảng biển. Ngoài ra, một số bến cảng thuộc các cảng tổng hợp địa phương có kết cấu hạ tầng, trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, năng suất thấp, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thị trường hàng hải khu vực.
Bên cạnh đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày một tăng cao. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vận tải đa quốc gia... dẫn tới yêu cầu về quy mô của hệ thống cảng biển ngày phải một mở rộng hơn, quy hoạch tốt hơn... để có thể đón được những chiếc tàu tầm cỡ quốc tế vào Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trước đây, Việt Nam không quy hoạch được diện tích đất sau cảng biển. Điều này dẫn tới việc sau khi làm cảng thì không có hệ thống logistics, không có nơi để chứa và đóng hàng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không có cảng biển nào đảm bảo quy mô tầm quốc tế. Các cảng biển còn nhỏ trong khi lại thực hiện nhiều chức năng, dẫn tới việc manh mún, không thể đầu tư được cơ sở hạ tầng.
Đối với quá trình triển khai thực hiện quy hoạch cảng biển ở Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải nhận định vẫn tồn tại một số bất cập, như chưa đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với quy hoạch xây dựng của địa phương và các ngành công nghiệp khác.
Cần thiết lập quy hoạch phát triển cảng biển
Đến thời điểm hiện nay, để điều chỉnh hệ thống cảng biển sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tăng và để đáp ứng vận tải đa quốc gia, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vào ngày 29/12/2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong năm 2021, Bộ GTVT sẽ tập trung vào 10 cảng lớn để làm sao kết nối giao thông phát huy tốt như cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), cảng Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng), cảng Quy Nhơn (Bình Định), cụm cảng quốc tế TP.Hồ Chí Minh,… để phát triển lĩnh vực hàng hải.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT việc triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển là rất cần thiết, tạo cơ sở triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển).
Đảm bảo hệ thống cảng biển Việt Nam được phát triển liên tục theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta hội nhập sâu rộng và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Ông Lê Tấn Đạt - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Công trình Hàng hải (CMB) đại diện liên danh tư vấn (Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Công trình Hàng hải, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Cảng - Đường thủy, Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT) đánh giá:
“Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tận dụng lợi thế vị trí địa lý điều kiện tự nhiên kết hợp khoa học, công nghệ để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam một cách bền vững, toàn diện, hiện đại, đồng bộ hạ tầng phụ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn hệ thống, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...”
Với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng xuất nhập khẩu, giao lưu giữa các vùng, miền địa phương trong nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực bằng đường biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, hàng hóa thông qua cảng khoảng từ 1,14 tỷ đến 1,42 tỷ tấn/năm; hành khách khoảng từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách/năm. Đến năm 2050, hàng hóa qua cảng biển đạt khoảng từ 2,8 tỷ đến 3,3 tỷ tấn/năm; hành khách khoảng từ 14,4 đến 15,1 triệu lượt/năm. Đến năm 2050, đặt mục tiêu hàng hóa khoảng từ 2,85 tỷ tấn đến 3,35 tỷ tấn/năm; hành khách khoảng từ 14,4 đến 15,1 triệu lượt khách/năm...
Để thực hiện mục tiêu đó, cần ưu tiên phát triển các cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm có tính chất động lực, gồm: Cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu; cảng cửa ngõ quốc tế tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tiếp nhận được tàu trọng tải lớn phù hợp xu thế phát triển đội tàu biển thế giới…Cùng đó, đưa ra danh mục đầu tư nâng cấp luồng tuyến, đường kết nối cảng biển theo thứ tự ưu tiên.
Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước tính khoảng 150 đến 200 nghìn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng); trong đó kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến khoảng 35 đến 40 nghìn tỷ đồng.
Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, sau khi tiếp thu các ý kiến về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 Cục Hàng hải Việt Nam sẽ chuẩn bị cho công tác thẩm định, trình duyệt quy hoạch theo quy định.