Sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện
Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kiến nghị sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần 'xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định', rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.
Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức
Sáng nay, 12/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, báo cáo kết quả giám sát được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa nội dung báo cáo của các cơ quan Trung ương, kết quả xử lý, tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, UBND, Đoàn Đại biểu QH 63/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, căn cứ kết quả giám sát thực tế tại 11/11 địa phương, kết quả làm việc với Chính phủ, 10/10 Bộ, ngành, 3/3 tập đoàn năng lượng, kết quả 7 hội thảo, tổ chức Đoàn đại biểu đi khảo sát, học tập tại Australia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và nhiều vòng tham vấn chuyên gia, nhà khoa học.
Đánh giá chung, theo báo cáo, trong giai đoạn 2016 – 2021, với định hướng chiến lược đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của người dân, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.
Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Đã bước đầu thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.
Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định, phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ.
Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn. Công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc xã hội.
“Trong giai đoạn 2016 - 2021, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 15.170 tỷ đồng, 5.960 m2 đất, xử lý hành chính 246 tổ chức, 724 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục, xem xét, xử lý 23 vụ”, báo cáo cho biết.
Đoàn giám sát cho rằng, những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Trong số các nguyên nhân chủ quan được chỉ ra có bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng còn bất cập, thiếu ổn định, chưa tương xứng với yêu cầu và quy mô phát triển ngành năng lượng (nhất là quản lý thị trường điện, giá điện) theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Công tác thanh tra, kiểm tra chưa sát sao, kịp thời. Một bộ phận cán bộ, công chức trong ngành năng lượng có tâm lý e ngại, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, chây ỳ, thậm chí vi phạm pháp luật. Năng lực dự báo, quản lý kinh tế, tài chính trong ngành năng lượng còn hạn chế…
Nghiên cứu, hoàn thiện khung giá các loại hình điện năng
Trên cơ sở xác định trách nhiệm của những hạn chế, yếu kém, Đoàn giám sát kiến nghị, trong giai đoạn 2024-2025, cần tập trung rà soát, trình QH việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng.
Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, nghiên cứu, Đoàn Giám sát nhấn mạnh việc đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.
Trong đó, tập trung đánh giá toàn diện tình hình triển khai thị trường điện cạnh tranh trong giai đoạn vừa qua, xác định vấn đề còn bất cập, các khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi thị trường.
Nghiên cứu, hoàn thiện khung giá các loại hình điện năng, nhất là điện rác, điện sinh khối, các nguồn điện năng lượng tái tạo, định mức bảo quản xăng dầu.
Đánh giá thực trạng, hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc điều hành Quỹ phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Có cơ chế điều chỉnh các loại thuế áp dụng đối với xăng dầu để điều tiết thị trường, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô và ổn định an sinh xã hội.
Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về nguồn cung xăng dầu, sản lượng các doanh nghiệp lọc hóa dầu trong nước, lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối.
Điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào, giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, thị trường điện, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đồng thời bù đắp được chi phí và lợi nhuận hợp lý để bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp; sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và kết luận, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng; trong năm 2023, làm rõ nguyên nhân gây ra khoản lỗ của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua; nghiên cứu đề xuất hoặc quyết định theo thẩm quyền các giải pháp xử lý dứt điểm, không để tình trạng rủi ro, mất cân đối tài chính.