Sớm sửa đổi Luật An toàn, vệ sinh lao động

Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 chiều nay, 28.7, nhiều ý kiến đại diện đoàn viên công đoàn, người lao động và cán bộ công đoàn các cấp mong muốn Quốc hội sớm sửa đổi Luật An toàn, vệ sinh lao động, bổ sung quy định nhóm chính sách về điều kiện lao động, bữa ăn giữa ca trong Bộ luật Lao động.

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kết dư lớn

Phản ánh thực trạng công nhân ngành than - khoáng sản làm việc trong điều kiện lao động đặc biệt, nguy cơ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất cao, anh Nguyễn Đức Đại - công nhân Công ty than Mạo Khê cho biết, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện đang kết dư rất lớn, khoảng 65 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, các nội dung chi của Quỹ này theo quy định tại Điều 56 Luật An toàn vệ sinh lao động còn hẹp, hàng năm chi tối đa không quá 1.000 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Đức Đại - công nhân Công ty than Mạo Khê phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Anh Nguyễn Đức Đại - công nhân Công ty than Mạo Khê phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Nhấn mạnh nhu cầu rất lớn của người lao động về chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và suy giảm sức khỏe; chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ; chi đầu tư các thiết chế phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động; huấn luyện và nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động..., anh Nguyễn Đức Đại đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó bổ sung các nội dung nêu trên.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ ngắn hạn nhưng lại có những nội dung mang tính dài hạn. Thực tiễn vừa qua cho thấy, những nội dung cơ bản trong mục tiêu của Quỹ đặt ra đã đạt được. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, phạm vi chi của Quỹ theo quy định của luật hiện đang còn hẹp và mức chi thấp. Do đó, muốn mở rộng phạm vi chi của Quỹ này thì phải sửa luật.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, thời gian vừa qua, theo quy định thu Quỹ 1% nhưng kết dư quá lớn. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo với Chính phủ, sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giảm tỷ lệ thu từ 1% xuống 0,5%. Bên cạnh đó, giai đoạn dịch Covid-19, một phần Quỹ kết dư cũng đã được sử dụng. Đồng thời tập trung khuyến khích các đơn vị phòng ngừa, những đơn vị nào phòng ngừa tốt, không xảy ra tai nạn thì được ưu tiên giảm tỷ lệ đóng quỹ; tăng cường giúp người lao động trong quá trình phục hồi, điều dưỡng sau đại dịch. Về vấn đề sửa luật, Bộ trưởng cho biết sẽ đăng ký vào kế hoạch năm nay.

Đưa nội dung bữa ăn ca của người lao động vào thương lượng tập thể

Cũng quan tâm đến nhóm chính sách về điều kiện lao động, anh Đinh Xuân Đức - công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng (tỉnh Khánh Hòa) nêu thực tế, bữa ăn giữa ca của người lao động Việt Nam rất quan trọng, nếu người lao động được ăn bữa giữa ca bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ có sức khỏe, làm việc tốt hơn.

Anh Đinh Xuân Đức - công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng (tỉnh Khánh Hòa) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Anh Đinh Xuân Đức - công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng (tỉnh Khánh Hòa) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca của người lao động cũng như nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp phải lo bữa ăn giữa ca nên chất lượng bữa ăn giữa ca tại nhiều doanh nghiệp còn thấp, mặc dù công đoàn cũng đã tham gia thương lượng, giám sát. Anh Đinh Xuân Đức đề nghị, trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật sẽ có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong vấn đề này.

Chia sẻ với ý kiến của anh Đinh Xuân Đức, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, kiến nghị nêu trên là rất chính đáng, cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Hiển

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có quy định đối thoại tại nơi làm việc, trong đó người sử dụng lao động và đại diện người lao động (công đoàn) tổ chức đối thoại về những nội dung 2 bên quan tâm. Trong đó, bữa ăn giữa ca là nội dung cần thiết trong đối thoại tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, cũng có quy định về thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và công đoàn.

Nhấn mạnh nhiều công đoàn cơ sở đã đưa được nội dung này vào thương lượng tập thể, từ đó bữa ăn giữa ca đã được cải thiện, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, công đoàn thời gian tới cần tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở để đưa nội dung bữa ăn ca vào thương lượng tập thể; học tập những đơn vị thành công trong cải thiện bữa ăn giữa ca cho người lao động.

Đối với đề xuất bổ sung quy định bữa ăn ca vào Bộ luật Lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xem xét sửa đổi các quy định liên quan sau này. Đồng thời nhấn mạnh, sửa đổi luật phải đánh giá tình hình thực tiễn. Thực tiễn sinh động của công đoàn sẽ là nguồn quan trọng giúp các cơ quan hoàn thiện về quy định này trong tương lai.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/som-sua-doi-luat-an-toan-ve-sinh-lao-dong-i338253/