Sớm tháo gỡ khó khăn phát triển cây mắc ca

ĐBP - Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án trồng cây mắc ca với tổng mức đầu tư trên 4.700 tỷ đồng, quy mô thực hiện trồng 17.214ha. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân đến nay các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh đang chậm tiến độ; toàn tỉnh mới trồng được gần 3.400ha. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp.

Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc chăm sóc cây mắc ca trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Năm 2019, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc triển khai Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích hơn 11.156ha thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp khác (trong đó diện tích trồng mắc ca công nghệ cao 10.000ha) được trồng tại 6 xã: Chung Chải, Leng Su Sìn, Nậm Vì, Mường Nhé, Sen Thượng và Sín Thầu. Tuy nhiên đến nay Công ty mới trồng được khoảng 600ha trên địa bàn 2 xã Sín Thầu và Sen Thượng; đồng thời đo đạc, quy chủ phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được giao đất, thuê đất thực hiện dự án với diện tích gần 2.000ha.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Mường Nhé ngày 27/7, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc cho biết nguyên nhân chậm tiến độ thực hiện dự án trồng mắc ca chủ yếu là do nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, hiện nay dự án giao đất lâm nghiệp chưa có rừng và dự án trồng cây mắc ca cùng triển khai thực hiện trên địa bàn, gây khó khăn trong việc đo đạc quy chủ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi dự án trồng mắc ca chưa có phê duyệt dự án cụ thể để xác định rõ phạm vi, vùng triển khai đo đạc quy chủ, dẫn đến có thể trùng lặp với đo giao đất không có rừng. Mâu thuẫn về hạn mức giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trống đồi núi trọc giữa vùng ngoài dự án và trong dự án trồng mắc ca cũng là lý do khiến tiến độ thực hiện chậm.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì việc nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ về thực trạng đất đai trong bước lập khảo sát ban đầu dẫn đến nhiều diện tích đưa vào vùng quy hoạch thực hiện dự án nhưng không triển khai được do một số diện tích đã phát triển thành rừng và nhiều diện tích đang là đất sản xuất thường xuyên của người dân. Cụ thể, trong tổng số hơn 11.156ha vùng dự án thì có hơn 3.000ha đất đã có rừng và khoảng 8.000ha là đất nương đang canh tác thường xuyên của người dân.

Tương tự, tại dự án “Trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng nhà máy chế biến tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên”, do Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên làm chủ đầu tư cũng gặp không ít khó khăn. Dự án có tổng diện tích dự kiến thực hiện hơn 3.508ha (đất không có rừng) trên địa bàn 6 bản của xã Phu Luông. Tính đến tháng 7/2021, Công ty mới thực hiện đo đạc, quy chủ xong gần 2.900ha. Đến nay mới thực hiện trồng được 250ha; diện tích đã làm đất xong và chuẩn bị trồng 108ha.

Theo ông Đặng Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên, Công ty gặp nhiều khó khăn trong công tác tích tụ đất đai. Việc tuyên truyền, vận động người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều hộ dân không đồng ý với chủ trương phát triển mắc ca. Đơn cử các hộ dân bản Loọng Ngua, Mốc C5 và một số hộ bản Pa Chả (xã Phu Luông) vẫn chưa đồng thuận với chủ trương đầu tư dự án. Đầu năm 2020, Công ty đã triển khai trồng mắc ca tại khu vực bản Mốc C5 (với diện tích 158ha đã được UBND tỉnh cho thuê đất) nhưng người dân ngăn cản không cho thực hiện. Người dân bản Loọng Ngua và một số hộ bản Pá Chả đã đồng thuận nhận tiền nhưng không chịu giao đất vượt hạn mức dẫn đến khó khăn trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và doanh nghiệp. Việc tranh chấp đất đai giữa các bản, giữa các hộ gia đình gây khó khăn trong việc lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vùng dự án.

Ngoài 2 dự án trên, các dự án trồng mắc ca khác cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm. Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án phát triển mắc ca do UBND tỉnh tổ chức ngày 17/7 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh tiến độ triển khai chậm chủ yếu do vướng mắc liên quan đến đất đai chưa được tháo gỡ, sự phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà đầu tư chưa chặt chẽ... Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tập trung vào cuộc quyết liệt, đồng hành với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Cùng với đó, trước khi thực hiện dự án, các nhà đầu tư cần khảo sát, nghiên cứu kỹ về thực trạng đất đai trong bước lập khảo sát ban đầu để tránh tình trạng diện tích đề xuất thực hiện trùng với diện tích khác.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/189146/som-thao-go-kho-khan-phat-trien-cay-mac-ca