Sớm thiết lập vùng hạn chế khai thác tài nguyên nước
Là địa phương có nền kinh tế phát triển năng động của khu vực và cả nước, những năm qua ngoài việc tập trung xây dựng, phát triển kinh tế, Bình Dương cũng đẩy mạnh đầu tư cho các nhóm dự án an sinh, xã hội. Trong số đó, tiêu biểu có thể kể đến là nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực gìn giữ tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường như: Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc tự động; giảm lượng phát thải khí nhà kính; nghiên cứu, đánh giá sức chịu tải của hệ thống sông hồ; điều tra, xác minh danh mục vùng hạn chế khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh…
Nhóm nghiên cứu đang khảo sát chất lượng, mực nước tại giếng khoan của một nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh
Thêm luận điểm chắc chắn
Nhận được yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương về việc xây dựng những cơ sở, dữ liệu khoa học mang tính thực tiễn đối với nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, Liên đoàn Tài nguyên nước đã tổ chức nhiều đoàn công tác với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thực hiện các cuộc khảo sát.
Trải qua thời gian dài quan trắc, khảo sát và xác minh, hiện các nhà khoa học đã đưa ra thêm những luận điểm chắc chắn, giúp tỉnh nhà có thêm cơ sở để sớm thiết lập những vùng hạn chế khai thác tài nguyên nước. Đây sẽ là những thông tin, dữ liệu thuyết phục giúp hạn chế tình trạng khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước kém chất lượng dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Theo đánh giá của Liên đoàn Tài nguyên nước, Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Với quá trình phát triển công nghiệp, đô thịhóa và sự gia tăng dân số diễn ra nhanh trong thời gian qua đãgây sức ép lên nguồn tài nguyên nước (nước mặt và nước dưới đất). Nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh khá phong phú, điều kiện khai thác tương đối dễ dàng. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa, hầu hết các DN chọn khai thác, sử dụng nước dưới đất. Điều này dẫn đến sự suy giảm về số lượng và chất lượng nguồn nước dưới đất tại một số khu vực.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản phê duyệt danh mục vàbản đồphân vùng cấm, hạn chếkhai thác nước dưới đất ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Các văn bản này quy định cụ thể tiêu chí và cách xác định, giải pháp quản lý cụ thể cho từng vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Để bảo đảm xác định đúng vùng cấm, hạn chế, tỉnh cần thêm những luận điểm, cơ sở, dữ liệu khoa học thực tiễn và đó chính là lý do để thực hiện đề án.
Xác định rõ vùng cấm, hạn chế
Trên cơ sở kế thừa các kết quả khoanh định trong đề án, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phần mềm mapinfo tiến hành khoanh định các vùng hạn chế khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất. Việc xác định các vùng cấm, hạn chế sẽ được xác định theo hướng so sánh, đối chiếu với các tiêu chí liên quan đến các vấn đề về tác động môi trường sinh thái, sự an toàn của người dân và DN, đồng thời gắn liền nếp sống đô thị văn minh mà tỉnh đang hướng tới.
Trong đó, các nhà khoa học cho rằng, ngoài những khu vực có nguy cơ sụt lún, khu vực nghĩa trang tập trung, xử lý chất thải… các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, với sự xuất hiện dày đặc của hệ thống cấp nước của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã đấu nối hoặc sẵn sàng đấu nối để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các khu vực này cần được đưa vào danh mục hạn chế khai thác nước dưới đất.
Ngoài ra, các khu dân cư thuộc các phường, thị trấn với hệ thống nước sạch sinh hoạt được đấu nối, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân nên cũng được kiến nghị khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Các khu dân cư thuộc các xã còn lại, tùy theo mạng cấp nước tập trung nông thôn để khoanh định vào vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Những trường hợp không thuộc các tiêu chí trên và một số trường hợp thuộc đất đặc dụng như: Đất quốc phòng, đất sản xuất phi nông nghiệp sẽ không được khoanh định vùng cấm, hạn chế khai thác tài nguyên nước dưới đất.
Những khu vực cách sông, kênh, rạch, hồ chứa (gọi tắt là nguồn nước mặt) không vượt quá 1.000m và nguồn nước mặt đó đáp ứng được đủ các điều kiện về: Quy hoạch để cấp nước sinh hoạt; lưu lượng dòng chảy ổn định và >10m3/s (với sông, suối, kênh, rạch) hoặc dung tích từ >10 triệu m3 trở lên đối với hồ chứa; có chất lượng nước bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cột A1 trở lên cũng sẽ được khoanh định là vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất.
Ngoài những vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước được nêu rõ trên, nhóm nghiên cứu cho rằng trên địa bàn Bình Dương còn có những vùng hạn chế hỗn hợp cần được khoanh định kịp thời. Đây là những khu vực có các yếu tố về địa lý và dân cư chưa thật sự rõ ràng và không hoàn toàn phù hợp, trùng khớp với các tiêu chí của các Vùng hạn chế 1, Vùng hạn chế 2 và Vùng hạn chế 3 theo định danh mà các nhà khoa học đặt tên trước đó.
Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và Khí tượng Thủy văn thuộc Sở TN&MT cho biết, hiện đã thẩm định lần thứ nhất đối với đề án này. Theo đánh giá của ông Tân, nhóm nghiên cứu đề án đã đề xuất việc tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất, cụ thể gồm: Trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký và biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo sát, xác minh của các nhà khoa học, Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và Khí tượng Thủy văn sẽ tham mưu Sở TN&MT trình UBND tỉnh sớm ban hành quyết định phê duyệt danh mục và bản đổ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Công tác này được kỳ vọng sẽ giúp ngành chức năng và địa phương có thêm những luận điểm, cơ sở pháp lý vững vàng để thực hiện tốt công tác chuyên môn trong thời gian tới.