Sớm thực hiện hồ sơ bảo tồn nguồn gene sâm Ngọc Linh

Tại buổi làm việc giữa Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam với UBND huyện Nam Trà My mới đây về tình hình thực hiện Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, một nội dung được đại biểu quan tâm là, hiện nhiều sản phẩm du nhập từ nơi khác về có hình thái giống sâm Ngọc Linh cung ứng ra thị trường. Do đó, nguy cơ xói mòn nguồn gene và thương hiệu sản phẩm quốc gia Ngọc Linh bị suy giảm. Do vậy, đề nghị tỉnh sớm thực hiện hồ sơ bảo tồn nguồn gene sâm Ngọc Linh.

Trên 1.500 hộ dân, 1.650ha đăng ký trồng sâm Ngọc Linh

Nam Trà My là một trong những huyện triển khai khá tốt Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam về cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác. Theo báo cáo UBND huyện tại buổi làm việc của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, toàn huyện có khoảng 2.000 hộ dân tham gia, trong đó, diện tích và số hộ trồng sâm Ngọc Linh tăng đáng kể, với hơn 1.500 hộ dân và trên 1.650ha đã đăng ký trồng sâm Ngọc Linh. Đã thu hút được 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia với diện tích đăng ký 341,75ha.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát vườn sâm tại Trạm dược liệu Trà Linh. Ảnh: Vinh Phạm

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát vườn sâm tại Trạm dược liệu Trà Linh. Ảnh: Vinh Phạm

Huyện thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ, phát triển và sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh tại Trại sâm giống gốc Tắk Ngo (thôn 2 xã Trà Linh) với diện tích 83,1ha. Đến nay, tổng số hộ đã được nhận cây giống sâm Ngọc linh (1 năm tuổi) là 1.695 hộ với 103.333 cây giống. Trong đó, năm 2022 Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu tỉnh hỗ trợ trực tiếp 20.000 cây giống cho các hộ dân; năm 2023 kinh phí được phân bổ triển khai là 18 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt gần 100%.

Khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tại Trạm Dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu (Trung tâm) cho thấy, diện tích vườn sâm Ngọc Linh tại Trạm Dược liệu Trà Linh là 50,25ha, trong đó diện tích rừng trồng có sâm Ngọc Linh là trên 12ha, với số cây sâm nhiều năm tuổi đang được bảo vệ và chăm sóc là 262.062 cây. Trung tâm cũng đã cung ứng giống sâm Ngọc Linh cho huyện để hỗ trợ cho dân và bán đấu giá cho doanh nghiệp tăng cao qua các năm. Cụ thể, năm 2022 là 48.200 cây, năm 2023 là 78.333 cây, năm 2024 dự kiến cây giống 1 năm tuổi sản xuất được là 117.000 cây.

Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 cũng còn những tồn tại, hạn chế. Theo đó, đến tháng 5.2024, sâm Ngọc Linh chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đơn giá (Nghị quyết 09 quy định, giá cây giống Sâm Ngọc Linh do Sở Tài chính phối hợp với địa phương, đơn vị liên quan thẩm định theo từng năm). Do đó, UBND huyện Nam Trà My, Trung tâm phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu kiến nghị tỉnh cần sớm phê duyệt giá sâm, để địa phương chủ động trong việc xác lập hồ sơ, thủ tục hỗ trợ, cũng như làm cơ sở thu hồi kinh phí đối ứng của người dân.

Ngoài ra, quy định “Đối với hộ hoặc nhóm hộ có phương án được UBND cấp xã phê duyệt”, việc thực hiện hồ sơ, thủ tục này khó đối với nông dân miền núi trong việc tự lập phương án. Do đó, để thuận lợi cho người dân, các đại biểu đề nghị cần mẫu hóa thủ tục đơn giản hơn để người dân dễ tiếp cận, thực hiện chính sách.

Về tình hình di thực sâm Ngọc Linh, UBND huyện Nam Trà My đã thực hiện hỗ trợ cho nhân dân xã Trà Vinh để di thực trồng thí điểm, với số lượng 1.000 cây (từ vườn sâm gốc Tak Ngo); qua theo dõi số lượng cây giống sống đạt tỷ lệ trên 70%; cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá công tác di thực trồng sâm năm 2021 tại 6 địa phương, khả năng sinh trưởng phát triển yếu, cây tái sinh chồi hình thành thân lá mới đạt tỷ lệ thấp, dao động từ 4,3 - 41,5%; còn lại, đa số các mô hình có tỷ lệ cây tái sinh chồi dưới 35%. Các mô hình di thực trồng năm 2022 tại xã Tam Trà (Núi Thành), xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) kết quả tương tự.

Nội dung được đại biểu quan tâm tại buổi làm việc của Ban Dân tộc HĐND tỉnh với UBND huyện Nam Trà My là, hiện nhiều sản phẩm du nhập từ nơi khác về có hình thái giống sâm Ngọc Linh cung ứng ra thị trường. Do đó, nguy cơ xói mòn nguồn gene và thương hiệu sản phẩm quốc gia Ngọc Linh bị suy giảm. Do vậy, đề nghị tỉnh cần sớm thực hiện hồ sơ về bảo tồn nguồn gene sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa địa phương và các cơ quan chuyên môn trong triển khai thực hiện Nghị quyết 09 chưa có sự gắn kết, hiệu quả. Trên thực tế, nhiều vướng mắc tại địa phương được cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn, song địa phương chưa tiếp cận, triển khai thực hiện.

Khẳng định việc trồng sâm Ngọc Linh hiện nay rủi ro lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người dân và doanh nghiệp trồng sâm, UBND huyện Nam Trà My đề nghị việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân trồng sâm để tháo gỡ khó khăn phát sinh hiện nay; tổ chức hội thảo về cây sâm Ngọc Linh để định hướng phát triển trong thời gian tới.

NGUYỄN NHẬT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/som-thuc-hien-ho-so-bao-ton-nguon-gene-sam-ngoc-linh-i372348/