Sớm triển khai Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản
Sáng 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe và thảo luận tại tổ về dự án Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều khẳng định trong những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả to lớn, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra, nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Do đó, các đại biểu cho rằng dự án Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, cần sớm triển khai và mở rộng ở tất cả các vụ án.
Ông Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, phát biểu: "Tôi đánh giá rất cao ở khoản 2, có ý là xử lý kịp thời, sớm khắc phục hậu quả đưa tài sản vào khai tác sử dụng. Ở khoản 4, đó là quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại, đây cũng là một vấn đề đang được chú ý".
Theo ông Nguyễn Hải Trung - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: "Đối chiếu tờ trình với Nghị quyết tôi thấy phạm vi điều chỉnh còn quá hẹp, chỉ các vụ án, vụ việc của Ban chỉ đạo tham nhũng. Tôi nghĩ sau khi triển khai thí điểm phải tính toán mở rộng phạm vi xử lý vật chứng, tài sản".
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, các đại biểu đều thống nhất nội dung, mục tiêu sửa đổi 4 luật này nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Theo kế hoạch, tại phiên buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.