Sớm trình Chính phủ thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Để đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lúa gạo bền vững, an toàn, rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ, đó là Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Ngành hàng thống nhất, địa phương ủng hộ
Tại cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia diễn ra chiều 6/8 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đại diện các Bộ ngành, các địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo đều thống nhất cao việc thành lập Hội đồng là cần thiết trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngành hàng lúa gạo từ lâu đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ ngành. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo đạt khoảng 4 tỷ USD, dù không cao như một số ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đây lại là ngành hàng giữ vị trí quan trọng do liên quan mật thiết đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia.
“Kết quả của ngành lúa gạo những năm qua đã quá thành công. Từ năm 2016, Chính phủ đã không phải giao các địa phương mua tạm trữ mà ngành hàng này đã thành công trong sản xuất, xuất khẩu với thị trường ngày càng đa dạng hơn. Nhiều thời điểm, chúng ta không có gạo để bán. Xuất khẩu gạo cũng thay đổi với sản lượng giảm bớt, song chất lượng ngày càng được nâng cao.” - Ông Nam chia sẻ.
Mặc dù vậy, hiện nay, nhu cầu gạo trên thị trường có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19, nhiều nước đã thay đổi chính sách nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta. Vì vậy, Chủ tịch VFA cho rằng, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết để phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Cường - Trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và ông Trần Sơn Hà - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) bày tỏ thống nhất cao với Đề án thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia nhằm giải quyết những vấn đề vĩ mô liên ngành. Đồng thời, đại diện Vinafood 1 cũng góp ý thêm, Hội đồng cần xem xét, bổ sung cả vấn đề quản lý tiêu thụ lúa gạo trong nước.
Về phía các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa hoan nghênh ý tưởng của 2 Bộ và đặc biệt đánh giá cao việc 2 Bộ trưởng đã cùng bàn bạc, lấy ý kiến các đơn vị liên quan về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
“Chúng tôi mong các Bộ trưởng xúc tiến việc thành lập hội đồng này sớm, nhanh hơn nữa để phát huy tốt hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho vùng miền, ngành hàng nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh phát triển ngành hàng quan trọng của đất nước trong thời gian tới.” - ông Nghĩa bày tỏ.
Chia sẻ tại cuộc họp, TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, trong bối cảnh mới, ngành hàng lúa gạo cần bài toán chiến lược cho người trồng lúa, địa phương trồng lúa; cần các chiến lược tổng thể, cần tư vấn tầm chiến lược xử lý các vấn đề như: Biến động thị trường chính sách các quốc gia, biến đổi khí hậu, biến dổi người tiêu dùng; tranh chấp thương mại, bảo hộ bản quyền; xu hướng mới trong phát triển,…
Do đó, cần có một thiết chế xử lý các vấn đề liên ngành, bao trùm. Thiết chế này có trách nhiệm: tư vấn, xử lý những vấn đề lớn của ngành hàng lúa gạo, đưa ra định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững chung của cả ngành. Hội đồng lúa gạo quốc gia là thiết chế thích hợp.
Trong thiết chế này, Nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường nhưng đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết hoạt động, các hiệp hội ngành hàng, huy động hợp tác công tư để tạo thêm nguồn lực từ hợp tác quốc tế và nguồn lực xã hội hóa. Thiết chế có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, đại diện của các doanh nghiệp, của các địa phương và phải có tiếng nói của người trồng lúa.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, rất cần một Hội đồng lúa gạo quốc gia để tham mưu những chính sách, xử lý những vấn đề phát sinh của ngành lúa gạo Việt Nam.
“Giả sử Ấn Độ mở cửa trở lại việc xuất khẩu gạo thì phản ứng chính sách của Việt Nam sẽ như thế nào? Chúng ta phải có động thái ngay. Với tư duy ngày nay thì không có một đơn ngành nào đủ sức giải quyết một vụ việc, mà phải là liên ngành. Hội đồng Lúa gạo quốc gia như là đơn vị hoạch định, tham mưu những chính sách lớn, tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh, vấn đề ngoại giao, hình ảnh của ngành hàng lúa gạo cho Chính phủ, Thủ tướng để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững." - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Sẽ sớm trình Chính phủ đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ, các khung pháp lý hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khi chưa tạo ra được những động lực đủ mạnh và một môi trường thuận lợi cho người sản xuất và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; thông tin, số liệu liên quan không đầy đủ, xác thực, kịp thời và không phản ánh đúng thực tế gây khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo trong những thời điểm nhạy cảm.
Bên cạnh đó, ngành lúa gạo cũng còn một số hạn chế như sản xuất chưa theo quy hoạch dẫn đến dư thừa cục bộ ảnh hưởng đến người sản xuất; Thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp, đời sống của một số bộ phận còn khó khăn.
"Trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức, rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia." - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, ngành lúa gạo không chỉ đóng vai trò nòng cốt đối với an ninh lương thực quốc gia, đồng thời còn là ngành có vai trò tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, cũng là ngành góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam từ một quốc gia nhập khẩu lương thực đi đến tự chủ nguồn cung và trở thành một quốc gia cân đối về lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà còn trở thành một trong số ít quốc gia được xem là cường quốc xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành lúa gạo nước ta vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến, thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp, đời sống của một số bộ phận còn khó khăn; xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hóa thị trường gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả xuất khẩu; doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, khó khăn trong quá trình giao dịch.
"Đặc biệt, mặc dù đã có thương hiệu nhưng doanh nghiệp chưa sử dụng được thương hiệu gạo Việt Nam trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài. Hiện nay, tại một số thị trường, gạo Việt Nam đã có "chỗ đứng" nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp sản xuất gạo không duy trì được mà tự đánh mất thị trường." - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, những hạn chế của gạo Việt Nam chủ yếu do ngành lúa gạo thiếu một chiến lược, thiếu một chính sách phát triển ổn định, vững chắc, vẫn mang tính tự phát.
"Đầu tư của Nhà nước cho sản xuất lúa gạo, nhất là gạo xuất khẩu chưa xứng tầm về: giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến... Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, không giữ được thị trường, không củng cố được thương hiệu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và công tác kiểm tra giám sát, xử lý chưa tốt…" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Do đó, để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài tài nguyên (đất lúa, nguồn nước, đa dạng sinh học,…) rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ, đó là Hội đồng Lúa gạo quốc gia.
“Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, các khuyến nghị tại hội thảo, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo các tài liệu về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Hai Bộ cũng mong tiếp tục nhận góp ý của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời giao cơ quan chức năng của hai Bộ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để Hội đồng lúa gạo Quốc gia hoạt động hiệu quả.” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.