Sớm ứng dụng công nghệ hiện đại để chống nạn in lậu sách

Giai đoạn 2015-2022, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhiều vụ việc với số tiền xử phạt hành chính lên tới hơn 6 tỷ đồng. Con số đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 15 năm công tác liên ngành về phòng, chống in lậu mới đây cho thấy, thực trạng in lậu sách diễn biến rất phức tạp, cần biện pháp mạnh để xử lý.

Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện sách bán thành phẩm in lậu ở Hà Nội. (Ảnh THANH HÀ)

Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện sách bán thành phẩm in lậu ở Hà Nội. (Ảnh THANH HÀ)

Giai đoạn 2015-2022, Đoàn liên ngành phòng chống in lậu đã tiến hành 78 lượt kiểm tra cơ sở in, cơ sở phát hành, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở (tổng số tiền 644 triệu đồng); xử lý thu hồi và đề nghị tiêu hủy 88.885 xuất bản phẩm các loại, 1.390 lịch blốc, 162.400 tờ bìa sách, ruột sách và 128 bản kẽm in ruột sách; ban hành 656 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 6,3 tỷ đồng, thu hồi và tiêu hủy 476.618 xuất bản phẩm vi phạm, 2.600 bìa xuất bản phẩm, lập biên bản tạm giữ 4 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Những con số thống kê trên cho thấy nỗ lực của các ban, ngành trong việc chung tay xử lý nạn sách lậu.

Những năm gần đây, công nghệ số phát triển cũng khiến cho vấn nạn in lậu sách trở nên tinh vi, phức tạp hơn rất nhiều so với trước. Các đối tượng vi phạm đang sử dụng nhiều phương thức để in lậu sách. Phổ biến là sử dụng phần mềm scan (quét) và sao chép sách.

Công nghệ có thể quét từng trang sách, chuyển đổi thành các định dạng điện tử và phát tán trực tuyến. Sau khi bị sao chép, tác phẩm dễ dàng bị chia sẻ qua các trang web, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến, các nền tảng chia sẻ…

Mọi người đều có thể tải xuống miễn phí hoặc thông qua dịch vụ chia sẻ trả phí không chính thức. Một số dịch vụ in ấn qua mạng cung cấp tùy chọn in các bản sao của sách theo yêu cầu mà không cần kiểm tra bản quyền diễn ra tương đối phổ biến. Người mua có thể gửi file sách điện tử rồi yêu cầu in ra bản cứng. Điều này tạo ra lỗ hổng trong việc kiểm soát bản quyền.

Ngoài ra, không ít cá nhân, tổ chức in lậu đang hoạt động ngầm, không đăng ký kinh doanh hợp pháp, đã in sách với số lượng lớn, chào bán qua các cửa hàng sách hoặc chợ online. Một hình thức tinh vi hơn nữa là các đối tượng vi phạm chỉnh sửa một phần nội dung hoặc thay đổi bìa sách rồi đưa ra thị trường dưới một tên gọi mới để tránh bị phát hiện.

“Công nghệ số tạo thuận lợi cho sáng tạo, lưu trữ, nhưng cũng đồng thời là công cụ khiến việc xâm phạm bản quyền trở nên dễ dàng và tinh vi hơn. Vấn đề phát hiện vi phạm bản quyền trên không gian mạng đã khó, nhưng việc xử lý các vi phạm có máy chủ đặt ở nước ngoài còn khó khăn hơn nếu không có hành lang pháp lý mạnh mẽ và cơ chế hợp tác quốc tế chặt chẽ”.

Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả

Trước thực trạng in lậu ngày càng tinh vi, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đề xuất ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý và giám sát hoạt động xuất bản. Cụ thể, mã vạch, QR code, nhận dạng quang học giúp nhận diện và theo dõi nguồn gốc của sách, từ đó giảm thiểu khả năng in lậu hoặc sao chép trái phép. Công nghệ cũng giúp các cơ quan chức năng và các nhà xuất bản dễ dàng theo dõi, kiểm tra, phát hiện sách in lậu.

Chẳng hạn, hệ thống phần mềm giúp kiểm tra các bản sao của sách và nhận diện bản sao bất hợp pháp. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất, phân phối sách sẽ được cải thiện đáng kể, tạo môi trường xuất bản minh bạch, công bằng, giúp ngành xuất bản phát triển bền vững, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh do sách in lậu gây ra.

Các chuyên gia công nghệ nhận định, muốn sử dụng công nghệ để kiểm soát việc in lậu sách cũng cần hiểu rõ về những thuận lợi và khó khăn. Thí dụ, công nghệ mã hóa và quản lý bản quyền ngày càng bị bẻ khóa, lách qua các phương pháp bảo vệ. Điều này khiến việc giám sát, phát hiện hành vi vi phạm bản quyền ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, các đối tượng có thể phát tán sách lậu qua nhiều nền tảng khiến việc kiểm soát, theo dõi hành vi vi phạm trở nên phức tạp hơn.

Giới chuyên môn cho rằng, bên cạnh vai trò của đơn vị quản lý, cơ quan chức năng, các nhà xuất bản cần tích cực tham gia chống in lậu, củng cố nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra. Vai trò đơn vị xuất bản không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, mà quan trọng không kém còn là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả và của chính họ.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên nhận định: Việc hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức về bảo vệ bản quyền tác giả cũng là một mục tiêu quan trọng. Cần xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ hơn, bảo đảm các quy định về bảo vệ bản quyền được thực thi một cách hiệu quả; đồng thời, nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là trong cộng đồng người tiêu dùng, về giá trị của bản quyền và tác phẩm sáng tạo là yếu tố then chốt.

Các hành vi in lậu sách không chỉ gây thiệt hại lớn cho các tác giả và nhà xuất bản, mà còn làm giảm động lực sáng tạo và phát triển của ngành xuất bản. Vì vậy, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại công nghệ số đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà xuất bản và các nhà phát triển công nghệ.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/som-ung-dung-cong-nghe-hien-dai-de-chong-nan-in-lau-sach-post852777.html