Sớm xây dựng cơ chế hợp tác ngăn chặn hành vi lừa đảo, giải quyết tranh chấp thương mại
Từ vụ việc một số doanh nghiệp nông sản gặp phải khi xuất khẩu sang UAE, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm xây dựng cơ chế hợp tác với đối tác nhập khẩu nhằm ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, giải quyết tranh chấp thương mại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 693/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 về việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam
Công điện nêu rõ vừa qua, một số báo điện tử phản ánh thông tin về việc một số doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam có nguy cơ bị mất các lô hàng xuất khẩu tiêu, quế, hồi, hạt điều sang UAE do gian lận thương mại.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại UAE tiếp tục khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của UAE, đề nghị Bạn phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc 04 container nông sản đã bị mất để có biện pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp sở tại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 05/8/2023. Trước mắt, đề nghị phía UAE áp dụng các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ 01 container hoa hồi của doanh nghiệp Việt Nam tại cảng Jebel Ali (UAE).
Sớm xây dựng cơ chế hợp tác ngăn chặn các hoạt động gian lận, giải quyết tranh chấp thương mại
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khuyến cáo các doanh nghiệp thường xuyên thông tin cho các cơ quan chức năng để xác minh, thẩm định kỹ các đối tác nước ngoài trước khi ký kết các thỏa thuận giao dịch để phòng ngừa rủi ro khi có vấn đề liên quan đến tranh chấp, nghi lừa đảo; thông báo đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc để được hỗ trợ giải quyết, tránh các thiệt hại phát sinh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy xây dựng, sớm thành lập các Tổ chức Hiệp hội liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu phân phối của UAE nhằm tạo cơ chế hợp tác trao đổi thông tin ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, giải quyết tranh chấp thương mại.
Liên quan đến vụ việc có dấu hiệu lừa đảo hàng gia vị và nông sản xuất khẩu sang Dubai (UAE), tổng lượng hàng trong vụ việc là 5 container, gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều; giá trị lô hàng 516.761 USD; cảng đi Việt Nam; cảng đến là Jebel Ali Dubai - UAE. Người mua: Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT); tại địa chỉ Office No 1006. Mai Tower, Al Nahda, Dubai, UAE; hàng giao tháng 6, cập cảng tháng 6-7/2023; ngân hàng thu hộ người mua là Ajman Bank PJSC.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cập nhật đến ngày 24/7 có 04 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container điều, tổng trị giá khoảng 400 ngàn USD; còn 01 lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng ngày 26/7/2023 trị giá 126,3 ngàn USD thì bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất.
Theo thông tin từ VPA, các doanh nghiệp ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu hộ D/P, tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền. Sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền hàng về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập.
Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank và nhân viên ngân hàng Ajman Bank đã xác nhận ký nhận thành công 05 bộ chứng từ. Tuy nhiên sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman nên các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman thanh toán.
Nhận thấy sự trì hoãn, chây ỳ từ phía cả ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều đã biến mất khỏi cảng.
Khi phát hiện hàng đã được lấy ra khỏi cảng, người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký. Vì vậy, các công ty đã yêu cầu ngân hàng Việt Nam điện đòi ngân hàng Ajman trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp nhưng đến nay ngân hàng này vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.
Ngay sau khi được doanh nghiệp và VPA trình báo sự việc, các cơ quan chức trách liên quan đã kịp thời phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó Đại sứ quán Việt Nam tại Dubai, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công hàm; Thương vụ Việt Nam tại UAE làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan của UAE nhằm khẩn trương xử lý vụ việc, giảm tổn thất của doanh nghiệp.