Sơn Động: Phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 80%
Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ các chính sách về việc làm, đào tạo nghề huyện Sơn Động đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đến nay đạt hơn 74%, trong đó người lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 44%.
Huyện phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45%. Có hơn 40% học sinh tốt nghiệp THCS (đối với các xã, thị trấn có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% học sinh tốt nghiệp THPT (đối với các xã, thị trấn có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 40%) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, để đạt mục tiêu trên, UBND huyện đề ra một số nhóm giải pháp chủ yếu. Trọng tâm là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về vai trò quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển KT- XH.
Tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Triển khai đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Huyện cũng đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động, ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Có chính sách khuyến khích học sinh tốt nghiệp loại khá, giỏi bậc THCS, THPT vào học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Trong công tác đào tạo, huyện chú trọng mở các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo về nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phối hợp với sở, ngành của tỉnh hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động. Tích cực liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Tăng thời gian đào tạo, thực hành kỹ năng nghề cho người học trong doanh nghiệp. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học. Quan tâm cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động đã qua đào tạo nhằm nâng cao khả năng thích ứng với nghề nghiệp trong thời kỳ mới.
Tin, ảnh: Hải Vân