Sơn Dương hướng tới sản xuất chè hữu cơ

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, huyện Sơn Dương đang hướng người dân sản xuất chè theo quy trình hữu cơ. Hiện nay, huyện thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ tại thôn Trung Long, xã Trung Yên, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thành viên HTX chè Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) thu hái chè hữu cơ.

Thành viên HTX chè Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) thu hái chè hữu cơ.

Huyện Sơn Dương chọn 3 ha chè của HTX chè Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên để thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ. Chè tham gia mô hình từ 5-7 năm tuổi với 2 loại chè là chè trung du và chè lai LDP1. Mô hình được huyện hỗ trợ một phần phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh. Trước đó, huyện mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ cho người trồng chè; diện tích chè này đã trải qua 2 năm tái thiết đất loại bỏ tồn dư chất hóa học, kim loại nặng.

Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX chè Ngân Sơn Trung Long, hiện HTX có 20 ha chè của 8 thành viên, trong đó có 5,5 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên HTX đã nhiều năm thực hiện quy trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nên cũng không khó để chuyển đổi sang quy trình hữu cơ. Sản xuất chè hữu cơ, các hộ tiến hành cải tạo, bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ vào đất cho cây và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động với mức đầu tư 40 triệu đồng/ha. Các hộ tham gia mô hình không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ mà chuyển hẳn sang sử dụng các loại phân ủ hoai mục và các loại phân hữu cơ để tăng độ phì nhiêu cho đất. Sử dụng biện pháp thủ công để làm cỏ, dùng thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc, vi sinh.

Chăm sóc chè theo quy trình hữu cơ năng suất giảm 30% so với chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chất lượng chè được đảm bảo hơn và giá bán cao gấp đôi. Cụ thể, mỗi sào chè hữu cơ mỗi lứa thu được 20 kg chè khô, giá bán 500.000- 600.000 đồng/kg, chè VietGAP chỉ bán với giá 250.000 đồng/kg. Tính ưu việt của sản xuất chè theo quy trình hữu cơ là tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Bà Vũ Thị Thảo, thôn Trung Long, xã Trung Yên chia sẻ, trước đây gia đình bà thường dùng các loại thuốc hóa học để phun phòng trừ sâu bệnh cho chè, mỗi lần phun thuốc xong, thấy mệt mỏi, khó chịu vì hít phải mùi độc hại, mà đất cũng bị thoái hóa dần. Tham gia mô hình sản xuất chè hữu cơ vừa an toàn cho người sản xuất, tạo môi trường trong sạch và điều quan trọng nhất là sản phẩm chè an toàn tuyệt đối với người sử dụng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, mô hình sản xuất chè hữu cơ được thực hiện bài bản, phương pháp hướng dẫn cụ thể, có theo dõi, đánh giá và tổng kết tìm ra ưu điểm, khắc phục hạn chế. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích chè hữu cơ tại các xã trồng chè trọng điểm của huyện. Hiện nay, UBND huyện Sơn Dương tiến hành kiểm định và cấp chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ cho HTX chè Ngân Sơn Trung Long. Thành công của mô hình hứa hẹn mở ra hướng đi mới, nâng cao giá trị của cây chè và thu nhập của người trồng chè.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/cong-nghiep-ha-tang/son-duong-huong-toi-san-xuat-che-huu-co-121987.html