Sơn Dương nâng cao chất lượng sản phẩm chè

Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Sơn Dương với 1.875,5 ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, những năm gần đây, huyện tích cực xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao.

Sản phẩm chè sạch thôn Cảy, xã Minh Thanh
(Sơn Dương).

Đến nay, diện tích chè của xã Trung Yên có gần 300 ha, năng suất chè búp tươi trung bình đạt 10-12 tấn/ha. Cây chè không những là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho người dân nơi đây. HTX chè Ngân Sơn Trung Long là điển hình về sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo đáp ứng đúng 60 tiêu chí về sản xuất. Hiện nay, HTX có 8 thành viên chính thức và 32 thành viên liên kết, với tổng diện tích trên 20 ha chè, doanh thu hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, 5,5 ha chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt năng suất 15,1 tấn/ha. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và giá trị sản phẩm chè, năm 2019 HTX đã xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ với 4 ha giống chè LDP1, chè trung du từ 5 - 6 năm tuổi của 7 hộ gia đình tại thôn Trung Long, xã Trung Yên.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX chè Ngân Sơn Trung Long chia sẻ, để sản xuất chè hữu cơ, HTX đã có thời gian 2 năm tái thiết đất, dùng chế phẩm vi sinh làm sạch đất, nước, loại bỏ tồn dư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đến nay diện tích đã bắt đầu bước vào khâu sản xuất sản phẩm, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chăm sóc chè theo quy trình hữu cơ năng suất giảm nhưng có giá bán cao gấp 6 lần so với sản phẩm chè thông thường. Sản xuất chè hữu cơ mỗi sào chỉ đạt 30 kg chè khô, giá bán 1 kg chè từ 400-600 nghìn đồng/kg.

Ông Phạm Văn Minh, thôn Cảy, xã Minh Thanh cho biết, gia đình có trên 1 ha chè chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, với giá bán trung bình 180.000-220.000 đồng/kg chè khô, mỗi năm gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng. Năm 2017, một số hộ dân trong thôn thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với 10ha. Theo ông Minh, mặc dù làm chè an toàn rất kỳ công, chi phí cao hơn so với cách làm chè thông thường, song cái được lớn nhất là sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng được bảo đảm. Ngoài ra, người dân trong xóm cũng tích cực sử dụng các thiết bị máy móc để giảm sức lao động, nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, mỗi gia đình có từ 2-3 chiếc tôn sao chè, máy vò chè. Có 90% số hộ dân chế biến chè bằng tôn inox vì tôn inox bền hơn, lại sạch, không gỉ. Lò sao chè được cải tiến, giúp tiết kiệm củi, chất đốt, giảm thời gian chế biến và hạn chế khói, bụi nên không ảnh hưởng đến chất lượng chè.

Ông Phạm Hữu Tân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, để nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè, những năm gần đây huyện Sơn Dương tăng cường hỗ trợ các vùng chè thành lập làng nghề, HTX, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất. Đồng thời xây dựng nhiều mô hình sản xuất chè theo mô hình VietGAP, hữu cơ nhằm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, sức khỏe cho người sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng chè.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/son-duong-nang-cao-chat-luong-san-pham-che-122129.html