Sơn Dương phát triển hạ tầng giao thông nông thôn
Những năm gần đây, huyện Sơn Dương đã đẩy nhanh việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông nông thôn. Qua đó, diện mạo của nhiều làng quê đổi thay rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giao thông thông suốt
Huyện đã huy động các nguồn vốn đầu tư, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, công lao động, từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường vào trung tâm xã, đường liên xã, liên xóm.
Theo báo cáo của phòng kinh tế và hạ tầng huyện Sơn Dương, trong năm 2024, huyện đã xây dựng trên 71 km đường giao thông nông thôn, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, đường giao thông nội đồng hoàn thành trên 31,7 km, đường thôn và đường ngõ xóm gần 40 km.
Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng sâu, vùng xa, hoạt động vận tải trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, năng lực vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, đảm bảo kết nối đến tất cả các huyện trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn xã được đầu tư xây dựng tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc trong huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa chia sẻ: “Phát triển đường giao thông nông thôn là chìa khóa then chốt để thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Từ khi tuyến đường ĐT 185 được nâng cấp và mở rộng, xã Hợp Hòa đã có những bước chuyển mình rõ rệt, giao thông buôn bán thuận tiện. Việc sản xuất, kinh doanh cũng được thúc đẩy, còn nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, giúp đời sống người dân ngày càng khởi sắc”.
Chị Vi Thị Mai, thôn Ba Khe, xã Kháng Nhật hào hứng kể lại: “Chúng tôi là nông dân trông chờ vào vụ mùa. Gia đình có 8 sào dưa chuột, trước đây đường sá đi lại khó khăn lắm, vụ nào được mùa nhưng do vận chuyển khó, nhất là những hôm trời mưa thương lái không vào kịp thành ra giá thành bị giảm, chất lượng cũng không được tốt nhất. Giờ thì khác rồi, đường bê tông rộng rãi, chỉ loáng chốc xe thu mua vào đến tận ruộng, buôn bán đi lại cũng rất dễ dàng”.
Sức mạnh tình đoàn kết
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Sơn Dương đạt được thành công trong phát triển giao thông nông thôn chính là sự đồng lòng, chung sức của người dân địa phương. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tài chính để xây dựng đường sá.
Trong năm 2024, theo báo cáo kết quả thực hiện xây dựng giao thông nông thôn, toàn huyện đã huy động tổng kinh phí trên 31 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 16,6 tỷ đồng xây dựng đường giao thông.
Là một trong những người hiến đất nhiều nhất tại thôn Đông Ninh, xã Đông Thọ, với hơn 700 mét vuông đất (cả thổ cư và đất đồi), ông Trần Ngọc Hùng chia sẻ: “Ngay từ khi có chủ trương làm đường giao thông, gia đình tôi tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ tường rào xây dựng. Có đường đẹp đi lại là để phục vụ cho chính mình cũng là để phát triển kinh tế sau này, xã cần đến đâu chúng tôi sẽ hiến đất đến đó”.
Tại xã Phú Lương, ông Trần Văn Lâu, thôn Lãng Nhiêu cũng là một trong những hộ đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường. Ngay khi có chủ trương làm đường, ông đã hiến gần 50 mét vuông đất và cắt toàn bộ cây trồng trên đất, dỡ tường rào, mái tôn để bàn giao mặt bằng xây dựng tuyến đường giao thông. Mặc dù “tấc đất tấc vàng” nhưng chúng tôi ai cũng rất vui vì được góp phần vào sự phát triển chung. Con đường mới sẽ giúp trẻ em có cơ hội học tập tốt hơn và người dân dễ dàng vận chuyển hàng hóa.
Các phong trào như “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hay “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” đã trở thành động lực mạnh mẽ, giúp các dự án hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Năm 2025, huyện Sơn Dương có kế hoạch bê tông hóa 39 km đường giao thông nông thôn. Huyện tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng đường GTNT; tăng cường huy động các nguồn vốn, thu hút đầu tư, chú trọng công tác xã hội hóa, vận động người dân góp công sức, tiền của để hoàn thành các tuyến đường, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững.