Sơn Dương phát triển kinh tế trang trại
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Sơn Dương hiện đứng đầu toàn tỉnh về số lượng các mô hình kinh tế trang trại. Việc phát triển kinh tế trang trại đã góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn đất sản xuất của địa phương, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo việc làm cho người lao động...
Ông Phạm Hữu Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, toàn huyện Sơn Dương hiện có 255 trang trại, trong đó có 28 trang trại tổng hợp, 226 trang trại chăn nuôi và 1 trang trại trồng trọt. Nếu như trước đây, các trang trại của huyện đều có quy mô nhỏ, thì nay một số trang trại đã chuyển sang chuyên môn hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm có thu nhập cao, tập trung nhiều tại các xã như Tú Thịnh, Sơn Nam, Ninh Lai, Đại Phú... Nhiều trang trại có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm như trang trại trồng cây ăn quả của anh Đặng Lâm, thôn Cầu Bâm, xã Sơn Nam; trang trại chăn nuôi gà của anh Trần Văn Phúc, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh; trang trại tổng hợp của chị Hoàng Thị A, thôn Cây Phay, xã Thượng Ấm….
Xã Tú Thịnh hiện có 6 trang trại chăn nuôi. Tuy số lượng ít nhưng giá trị kinh tế của các trang trại này góp phần đáng kể vào cơ cấu kinh tế của xã. Anh Vũ Đức Anh, thôn Tân Thắng hiện có trang trại chăn nuôi vịt, ngan bán con giống. Anh cho biết, trung bình mỗi tháng, trang trại cung cấp cho thị trường trên 10.000 con giống các loại. Ngoài cung cấp cho người dân trong khu vực, anh còn cung cấp cho người chăn nuôi các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, các tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Tĩnh. Năm 2018, anh được UBND huyện Sơn Dương cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, anh càng có thêm quyết tâm làm giàu. Hiện nay, mỗi năm trừ chi phí trang trại của anh thu lãi trên 400 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động nông thôn với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2014, huyện Sơn Dương cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh thành lập được Hội trang trại. Lúc đầu chỉ có trên 30 thành viên nhưng sau 6 năm con số đã là trên 200 thành viên. Đây là nơi để các chủ trang trại chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm quý trong làm ăn, thảo luận về giá cả thị trường, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi... Chủ tịch Hội trang trại - ông Nguyễn Văn Sung, thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành hiện cũng có trang trại chăn nuôi lợn quy mô trên 300 con lợn nái và gần 700 con lợn thịt. Ông sung cho biết, nguyên phần đầu tư vào chuồng trại đã trên chục tỷ đồng, được bố trí những phân khu riêng theo từng giai đoạn sinh trưởng của lợn: Từ lợn sữa, lợn con đến lợn thịt, lợn tuyển chọn sinh sản... Theo ước tính, mỗi năm trang trại của ông Sung thu về cả tỷ đồng tiền lãi.
Thực hiện Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, huyện Sơn Dương đã chủ động hướng dẫn các trang trại làm các thủ tục để vay vốn, hiện đã có 106 trang trại vay vốn với số tiền trên 33 tỷ đồng. Đồng thời, không ngừng tạo điều kiện về hành lang pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật, quy trình chăm sóc và biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi… mở rộng sản xuất theo hướng liên kết nhằm bảo đảm thị trường, đầu ra cho sản phẩm.