Sơn Dương tận dụng lợi thế để phát triển

Phát huy lợi thế của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và vị trí địa lý tiếp giáp với nhiều tỉnh có kinh tế phát triển như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn Dương tận dụng tốt nhất những ưu thế của mình, từng bước trở thành một trong những trụ cột về sản xuất công nghiệp, du lịch của tỉnh.

Điểm sáng trong phát triển công nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI đã xác định, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư và phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch là 2 trong 3 khâu đột phá của địa phương này.

Công nghiệp được xem là một trong những điểm sáng của Sơn Dương chỉ sau hơn 1 năm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, 10 tháng năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương đạt trên 3.567/3.993 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của Sơn Dương sẽ đạt trên 4.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch tỉnh giao. Sự tự tin này, hoàn toàn dựa trên những kết quả mà Sơn Dương đã bắt tay thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Ngày 25-5-2021, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong 10 tháng năm 2021, mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sơn Dương vẫn thu hút được thêm 2 dự án công nghiệp là Nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh và Nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm cơ khí. Một số nhà máy mới đi vào hoạt động Nhà máy Giày da Phúc Sinh, Nhà máy Giày da Chung Jye, Nhà máy tai nghe Future of sound vina, Nhà máy sản xuất vải bạt nhựa PE, Nhà máy sản xuất và kinh doanh các loại bao bì PP container. Một số nhà máy đang tiến hành triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Sơn Nam và Cụm Công nghiệp Phúc Ứng, Nhà máy sản xuất và kinh doanh bao bì PP container của Công ty Sung Lim; Nhà máy Dược liệu Thiên Phú, Nhà máy sản xuất bao bì và gia công các sản phẩm cơ khí Hùng Huy, Nhà máy sản xuất bao bì PPE, Nhà máy sản xuất Giày da Kiến Xương. Nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng đạt khá Bột Fenspat đạt 153.918 tấn, bột giấy đạt 101.061 tấn và giấy in viết đạt 68.732 tấn, chè chế biến các loại đạt 2.000 tấn, bạt nhựa PE đạt 240.000 sản phẩm, thiết bị tai nghe đạt 5,1 triệu sản phẩm, giày dép xuất khẩu đạt trên 1,35 triệu đôi.

Dây chuyền sản xuất giày da xuất khẩu của Công ty TNHH Phúc Sinh tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Ảnh: Trang Tâm

Trên địa bàn hiện có 1 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp đang hoạt động là Khu công nghiệp Sơn Nam và Cụm công nghiệp Phúc Ứng. Trong năm 2021, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội, Sơn Dương đã lập hồ sơ thành lập Cụm Công nghiệp Phúc Ứng 2 và Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế trình tỉnh phê duyệt theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư trên 12 tỷ đồng, đến nay khối lượng công trình đã thi công đạt trên 80%. Cách làm của địa phương này trong việc nhanh chóng thi công và lấp đầy mặt bằng các cụm công nghiệp chính là thu hút nhà đầu tư vào cùng thực hiện. Hiện, Cụm công nghiệp Phúc Ứng 2 đang được thực hiện theo hình thức này. Doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng, đồng thời cũng là đơn vị thu hút đầu tư thứ cấp. Việc thu hút doanh nghiệp lấp đầy các khu, cụm công nghiệp cũng sẽ được ưu tiên những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như điện tử, công nghiệp phụ trợ, cơ khí...

Toàn huyện hiện có 59 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với một số sản phẩm chủ yếu, như: giấy tráng phấn cao cấp và bột giấy, bột Fenspat, bột barit, chè chế biến, giày da, tai nghe, bao bì..., tạo việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Giai đoạn 2021 - 2030, huyện Sơn Dương phối hợp với ngành Công thương tỉnh và các cơ quan chức năng tiến hành quy hoạch thành lập mới Khu công nghiệp Nam Sơn Dương, diện tích 300 ha; Khu công nghiệp Tam Đa, diện tích 150 ha; Cụm công nghiệp Phúc Ứng 2, diện tích 75 ha và điều chỉnh Khu công nghiệp Sơn Nam diện tích 150 ha thành Cụm công nghiệp Sơn Nam với diện tích 50 ha.

Biến khó thành dễ...

Là một vùng đất hội tụ đầy đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong những năm giữa thế kỷ XX, đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Sơn Dương trở thành Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Vì vậy, mảnh đất nơi đây in đậm dấu tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương đã ở làm và làm việc. Sơn Dương cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử nhất trên địa bàn tỉnh với 226 di tích, trong đó có 47 di tích cấp Quốc gia và 83 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, Khu di tích đặc biệt Quốc gia Tân Trào với 4 nhóm di tích chính là Cụm di tích Tân Trào; Cụm di tích Bác Tôn, Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận Liên Việt ở xã Trung Yên; Cụm di tích Chính Phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên; Cụm di tích Nha Công an và các bộ ngành ở xã Minh Thanh. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, Sơn Dương trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng của cả nước, là điểm hẹn về nguồn linh thiêng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cả nước. Thế nhưng, cũng như nhiều điểm du lịch lịch sử khác, việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng ở Sơn Dương cũng gặp phải nhiều khó khăn, nhất là trong việc kéo dài thời gian lưu trú của khách.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia, thu hút các nhà đầu tư, phát triển thêm các điểm du lịch mới hấp dẫn là cách làm của Sơn Dương hiện nay. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Giang Tuấn Anh cho biết, hiện Công ty cổ phần Flamingo Redtours đang thực hiện đầu tư tại Khu di tích đặc biệt Quốc gia Tân Trào. Đối với các điểm du lịch mới, huyện đang tiến hành hợp đồng lập quy hoạch xây dựng sân Gofl Tân Thanh - Hợp Hòa, thu hút được một nhà đầu tư xây dựng làng văn hóa du lịch Hoa Lũng tại xã Đại Phú... để tạo thêm điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.

Đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện hạ tầng giao thông, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương... là cách mà Sơn Dương đang tập trung thực hiện. Kỳ vọng của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh, những giải pháp này sẽ tạo ra sự thay đổi rõ nét cho địa phương này trong thời gian ngắn nhất.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/son-duong-tan-dung-loi-the-de-phat-trien-151237.html