Sơn La công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Ngày 2-8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các huyện, thành phố.

Theo đó, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ký Quyết định số 1556/QĐ-UBND ngày 2-8 về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại thành phố Sơn La, các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu.

Trước đó, từ ngày 22-7 đến ngày 24-7, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2, tại tỉnh Sơn La đã có mưa to đến rất to với tổng lượng phổ biến từ 40mm đến 200mm, một số nơi mưa rất to như: Thành phố Sơn La 229,4mm; xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu 206,4mm; xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn 205,3mm; xã Nậm Ty, huyện Sông Mã 199,6mm.

Tỉnh ủy Sơn La họp đánh giá tình hình mưa lũ và bàn giải pháp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các huyện, thành phố.

Tỉnh ủy Sơn La họp đánh giá tình hình mưa lũ và bàn giải pháp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các huyện, thành phố.

Trên sông Nậm Pàn, huyện Sông Mã xuất hiện lũ lớn vượt báo động cấp 3, sông Nậm La, thành phố Sơn La xuất hiện lũ vừa vượt báo động 2.

Mưa lũ đã làm 11 người chết, 6 người bị thương, gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn về nhà, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp… với tổng thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.

Mưa lớn kéo dài còn gây lũ quét, sạt lở đất và ngập úng làm thiệt hại nghiêm trọng về nhà, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu; xã Sặp Vạt, Chiềng Pằn, huyện Yên Châu.

Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, lũ quét và ngập úng tại nhiều huyện, thành phố của tỉnh Sơn La.

Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, lũ quét và ngập úng tại nhiều huyện, thành phố của tỉnh Sơn La.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cũng yêu cầu các huyện, thành phố triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng và phân công nhiệm vụ cho các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, thời tiết để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phân công lãnh đạo địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực theo dõi 24/24 giờ trong những ngày mưa, lũ cao điểm. Chủ động triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Theo nhandan.vn

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/son-la-cong-bo-tinh-huong-khan-cap-ve-thien-tai-787963