Sơn La: Gắn kết sản xuất và phân phối
Để đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' tỉnh Sơn La đã phối hợp với sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố điều tra, khảo sát những mặt hàng sản xuất của tỉnh; đề xuất, tổ chức xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng tiêu thụ bền vững nhằm gắn kết doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối…
Ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Công Thương Sơn La - cho biết, nhu cầu sử dụng hàng Việt chất lượng, giá phải chăng của người dân trên địa bàn các huyện, nhất là ở những vùng khó khăn rất lớn. Do đó, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là cơ hội tốt để người dân được mua sắm những mặt hàng chất lượng bảo đảm, giá hợp lý. Do đó, những năm qua, tỉnh đã tổ chức 186 hội chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn, với gần 20.000 gian hàng các loại, thu hút gần 15.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia và trên 250.000 lượt người dân địa phương tới thăm quan, mua sắm; giá trị trao đổi trên 400 tỷ đồng.
Tỉnh cũng xây dựng mới 45 chợ, đưa tổng số chợ trên địa bàn là 122; 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị và nhiều cửa hàng thương mại tiện ích; thiết lập điểm bán hàng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh tại các địa phương, lồng ghép với Chương trình bình ổn thị trường; thiết lập 7 mô hình thí điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam" tại TP. Sơn La và các huyện: Mộc Châu, Bắc Yên và Sông Mã.
Hưởng ứng Cuộc vận động, các doanh nghiệp trên địa bàn đã điều chỉnh chiến lược mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại; đầu tư, quảng bá sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối, đưa hàng hóa thương hiệu Việt đến với các tầng lớp nhân dân. Đến nay, Sơn La đã có nhiều sản phẩm được thị trường tin dùng như sữa Mộc Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu, chè Olong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, cà phê Sơn La, gạo nếp Mường Và Sốp Cộp, cá tầm Sơn La… Đặc biệt, rau, quả các loại của Sơn La như: Xoài, nhãn, sơn tra, chanh leo, na, mận, đào, chuối… không chỉ được người dân trên địa bàn ưa chuộng mà còn được nhiều địa phương ưa thích.
Nhờ các giải pháp vận động tiêu dùng hàng Việt, đến nay, tại các siêu thị, trung tâm thương mại của Sơn La, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 80%. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán buôn, bán lẻ, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 75%. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên thị trường, lựa chọn của người tiêu dùng chiếm 95% sản phẩm có nguồn gốc nội địa; hàng tiêu dùng chiếm trên 70%, hàng may mặc 65% lựa chọn là hàng Việt.
Để hàng Việt đến nhiều hơn với người tiêu dùng, các ngành liên quan của tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện Cuộc vận động, tạo thói quen mua sắm hàng Việt. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác, đầu tư.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/son-la-gan-ket-san-xuat-va-phan-phoi-145097.html