Sơn La gắn xây dựng nông thôn mới với nâng cao chất lượng giáo dục

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đã huy động nguồn lực, đầu tư cho giáo dục phát triển bền vững.

Người dân phường Chiềng Sinh, góp ngày công làm đường nông thôn mới

Người dân phường Chiềng Sinh, góp ngày công làm đường nông thôn mới

Huy động nguồn lực thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), lĩnh vực giáo dục có hai tiêu chí trọng tâm: tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục – đào tạo. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2 trở lên, xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT liên tục được giữ vững ở mức cao.

Tuy nhiên, tiêu chí số 5 về trường học được xác định là tiêu chí khó do đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Để giải bài toán này, Sở GD&ĐT Sơn La đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo từng giai đoạn. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện thực tế.

 Người dân góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Người dân góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Tính đến nay, mạng lưới trường lớp của tỉnh Sơn La đã được mở rộng và hoàn thiện. Toàn tỉnh có 609 cơ sở giáo dục và đào tạo, bao gồm 229 trường mầm non; 98 trường tiểu học; 144 trường tiểu học - THCS; 81 trường THCS; 14 trường THCS - THPT; 1 trường liên cấp tiểu học - THCS - THPT; 30 trường THPT và 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Giáo dục làm thay đổi diện mạo nông thôn

Từ chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Sơn La đã có nhiều đổi thay tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các xã, bản được nâng lên rõ rệt. Những kết quả này đến từ quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025, mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 83 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh Sơn La đã huy động sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội.

 Các phụ huynh trường Mầm non xã Tà Xùa mới, góp công sức làm khuôn viên trường học.

Các phụ huynh trường Mầm non xã Tà Xùa mới, góp công sức làm khuôn viên trường học.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, qua thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã huy động được hơn 69 tỷ đồng tiền mặt; nhân dân hiến gần 670.000m2 đất, đóng góp gần 36.000 ngày công lao động, cùng nhiều tài sản, vật liệu xây dựng cho các công trình nông thôn.

Đặc biệt, chương trình đã gắn kết chặt chẽ với lĩnh vực giáo dục. Tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhiều công trình kiên cố được đưa vào sử dụng như phòng học, nhà bán trú, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập… đồng thời trang bị thêm thiết bị dạy học và đồ dùng học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nâng tầm chất lượng giáo dục từ nền tảng nông thôn mới

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nhấn mạnh: “Việc gắn phát triển giáo dục với xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng đắn, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh”. Hiện nay, 164/188 xã của tỉnh đã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo, khẳng định sự quan tâm của tỉnh đối với sự nghiệp trồng người.

Ngành giáo dục Sơn La cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng, tổ chức cùng tham gia chăm lo cho giáo dục. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội và tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh được học tập trong môi trường chất lượng.

Điển hình như xã Yên Châu – đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Yên Châu với một số xã lân cận. Hiện toàn bộ trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 hoặc 2. Hằng năm, 100% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình học; hơn 90% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT.

 Trường THPT huyện Bắc Yên được chú trọng xây dựng cơ sở ,vật chất giúp học sinh yên tâm học tập.

Trường THPT huyện Bắc Yên được chú trọng xây dựng cơ sở ,vật chất giúp học sinh yên tâm học tập.

Tại Trường Mầm non Ánh Sao, bà Đào Thị Thúy Vân chia sẻ: “Nhờ chương trình nông thôn mới, năm học 2024 – 2025 nhà trường được đầu tư xây mới dãy lớp học 1 tầng 3 phòng và sân chơi 1.200 m² với tổng kinh phí gần 2,8 tỷ đồng. Cơ sở mới rộng 4.000m2, thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt và đưa đón trẻ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục”.

Cùng với việc cải thiện cơ sở vật chất trường học, tỉnh Sơn La còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế, tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn hơn 18%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hơn 3%; các huyện nghèo (cũ) giảm từ 4-5%.

Việc lồng ghép phát triển giáo dục vào chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp Sơn La nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn một cách bền vững.

Hà Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/son-la-gan-xay-dung-nong-thon-moi-voi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post738892.html